Để dòng sông được bình yên

(ĐTTCO) - Báo ĐTTC đã đăng 2 bài “Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn có khả thi?” (ngày 16-10-2017) và “Phát triển ven sông Sài Gòn phải hài hòa” (ngày 23-10-2017),  nêu thực trạng hiện nay dọc con sông này hàng loạt dự án nhà ở, chung cư cao tầng mọc lên ồ ạt như bóp nghẹt dòng sông.
Để dòng sông được bình yên

Điều này này cho cảnh quan ven sông dần biến mất, thay vào đó là những khối bê tông cao nghều, khô cứng và lạnh lẽo.

Vấn đề đặt ra là dòng sông Sài Gòn là “tài sản” của ai, của bao thế hệ người dân nối tiếp khai phá, mở mang vùng đất này, xây dựng nên đô thị sầm uất với hồn văn hóa “trên bến dưới thuyền”; hay là của nhóm lợi ích ngày càng lấn lướt, chỉ xem nặng lợi nhuận và thương trường, bị cuốn hút bởi yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”.

Sông Sài Gòn là một phụ lưu của sông Đồng Nai, chảy dọc địa phận TPHCM khoảng 80km, hợp lưu với sông Đồng Nai ở khu vực ngã 3 giữa quận 2, quận 7 và Nhơn Trạch (Đồng Nai). Sông này đã hình thành vùng đất đô thị một hệ thống kênh rạch chằng chịt: Thầy Cai, Láng Le, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Lò Gốm, kênh Tẻ, Tàu Hủ…

Cùng với sự xâm lấn của con người, nay có địa danh còn, có địa danh đi vào quá vãng, chỉ còn trong sách vở hoặc ký ức người xưa. Dòng sông này cũng hình thành các “tên tuổi” nổi tiếng như Cảng Sài Gòn, sông Bến Nghé (từ nội đô đến chỗ hợp lưu sông Đồng Nai), bến Chương Dương, bến Bình Đông (nay là Đại lộ Đông-Tây)… của truyền thống văn hóa-lịch sử vùng đất này. Người Sài Gòn không chỉ tự hào là thành phố hiện đại, nhiều đèn xanh đỏ mà còn ở cảnh quan, bản sắc, những di sản 300 năm xây dựng vùng đất này.
Sở dĩ ĐTTC có các bài viết trên do vào tháng 7-2017 Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) đã đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư 63.000 tỷ đồng (khoảng 2,8 triệu USD) theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Theo giới thiệu của tập đoàn này, siêu dự án ven sông có điểm đầu từ ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi chạy dọc theo sông Sài Gòn với điểm cuối là cầu Bến Súc (Củ Chi), dài 63km đi qua các quận, huyện 1, Bình Thạnh, 12, Hóc Môn, Củ Chi. Tập đoàn Tuần Châu kiến nghị được sử dụng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện dự án; gồm để giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, xây lắp và dự phòng…
Nếu dự án này được phê duyệt, tổng chi phí đầu tư lên đến 57.568 tỷ đồng; dự kiến sử dụng quỹ đất khoảng 12.398ha, gồm quỹ đất thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư. Theo đề xuất của Tuần Châu, đất đối ứng để đổi lấy đại lộ ven sông, tập đoàn chọn ở Củ Chi và Cần Giờ, trong đó sẽ xây dựng thành phố mới Sài Gòn New City (Củ Chi) và Sài Gòn Marina (Cần Giờ). Chỉ riêng Sài Gòn Marina có tổng diện tích 1.430ha gồm tổ hợp 9 phân khúc nhà ở, khách sạn và khu du lịch-giải trí… Dự án Sài Gòn New City có diện tích gấp 15 lần dự án Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm hiện hữu cộng lại!
Tại công văn trả lời Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM góp ý đề xuất đề án này, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho rằng cần xem xét tính khả thi của việc bố trí các quỹ đất nêu trên, vì quá lớn, sẽ tác động về kinh tế-xã hội-quốc phòng-môi trường và đời sống dân cư. Đối với đề xuất sử dụng ngân sách đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, theo quy định phải trình Quốc hội chủ trương đầu tư; các nội dung về Nhà nước tham gia dự án, phân bổ các chi phí giải phóng mặt bằng, xây lắp, thuê tư vấn… cũng không phù hợp với quy định hiện hành. Bộ này cũng đề xuất dự án quá lớn cần nghiên cứu thấu đáo; nhà đầu tư cần chứng minh khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến huy động, các đối tác đảm bảo cho vay để bảo đảm tính khả thi của dự án…
Đề xuất dự án trên sau khi được tung ra đã làm bùng nổ dư luận và các ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng đây là ý tưởng “sáng tạo” nhưng khó thực hiện. Bởi lẽ là dự án có quy mô quá lớn, mức độ giải phóng mặt bằng khổng lồ nên cần nhiều nguồn lực hơn là một nhà đầu tư triển khai. Để dự án không nằm trên ý tưởng, là “dự án treo” kéo dài vô hạn định, nhiều người cho rằng chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính, phải có đủ vốn đối ứng gửi vào ngân hàng chứng minh tâm huyết và ý chí thực hiện. Các đại gia xây dựng khác thì cho rằng dự án không thuộc cơ chế chỉ định thầu. Nếu được phép thực hiện phải tổ chức đấu thầu  rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
Các chuyên gia giao thông, quản lý đô thị thì cho rằng không thể có dự án BT đề xuất khơi khơi như thế. Thử hỏi khi công trình đại lộ ven sông Sài Gòn thực hiện xong có thu phí người dân, mức phí nào, thu trong bao lâu? So sánh với các nước, nhiều người bày tỏ không nơi nào đầu tư đại lộ lớn để dẫn xe đổ trực tiếp vào nội ô-trung tâm, vì sẽ gây ách tắc giao thông nghiêm trọng hơn ở vùng lõi. Mặt khác, hướng tuyến đường mới là men theo bờ sông hiện có để phát triển phố thị, nâng cao giá trị sử dụng đất để bán đất, là mượn đường hiện có hay xây dựng tuyến mới… Có quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp rõ ràng.
Trên góc độ tâm tưởng người dân, sông Sài Gòn là hồn cốt của thành phố này, không thể đánh đổi cảnh quan, đặc trưng văn hóa truyền thống bằng các dự án xây dựng chưa rõ hiệu quả và tác động xã hội. Các thành phố lớn trên thế giới Paris, Washington D.C, Moskva, trừ khu vực nội ô, đường ven sông được xây dựng là để tạo cảnh quan du lịch, công chúng thưởng ngoạn, còn không ai làm siêu dự án chạy dọc cả chiều dài con sông. Họ để con sông được bình yên, tồn tại xuyên suốt lịch sử, cũng là niềm tự hào sâu lắng bản sắc địa phương mình. Muốn ngắm sông, thưởng thức dòng sông thơ mộng hãy đi bằng thuyền chứ không đua chen ồn ào, đông đúc bằng việc đi trên xa lộ dọc sông.

Các tin khác