Đẩy mạnh cải cách thủ tục

Đơn cử như cải cách thủ tục thành lập, tổ chức lại và giải thể DN là chính sách trọng tâm cải cách thể chế ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm rút ngắn thời gian thành lập DN, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời thể hiện chức năng can thiệp của nhà nước vào hoạt động của DN để hạn chế khuyết tật thị trường.

Việt Nam đang trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để hướng tới phát triển bền vững. Tái cấu trúc là công cuộc rà soát tổng thể, để giải quyết vấn đề lớn này phải tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trong công cuộc cải cách hiện nay vẫn còn nhiều thách thức.

Đơn cử như cải cách thủ tục thành lập, tổ chức lại và giải thể DN là chính sách trọng tâm cải cách thể chế ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm rút ngắn thời gian thành lập DN, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời thể hiện chức năng can thiệp của nhà nước vào hoạt động của DN để hạn chế khuyết tật thị trường.

Việt Nam cũng đã có nhiều cải cách quan trọng như hợp nhất thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thành đăng ký DN, công nghệ hóa thủ tục đăng ký thành lập DN tại một đầu mối bằng hồ sơ điện tử, trao quyền tự chủ in hóa đơn VAT cho DN...

Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách đơn giản thủ tục hành chính đối với thủ tục chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) thành công ty cổ phần (CTCP), chuyển đổi công ty TNHH 2 thành viên trở lên thành công ty TNHH 1 thành viên, hồ sơ thủ tục giải thể cũng được giảm thiểu, đồng thời giao quyền chủ động thanh lý tài sản cho DN giải thể...

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị, Trưởng Bộ môn Luật Kinh tế trường Đại học Kinh tế TPHCM, vẫn còn nhiều thách thức cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký DN ở Việt Nam. Thứ nhất, nhiều quy định thông thoáng của Luật DN năm 2005 bị vô hiệu hóa bởi pháp luật chuyên ngành, làm giảm ý nghĩa tích cực của thủ tục đăng ký DN tại Nghị định 43.

Chẳng hạn, một công ty chứng khoán xin phép thành lập tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo Luật Chứng khoán năm 2010, còn DN dịch vụ pháp lý theo Luật Luật sư năm 2012 thì đăng ký tại Sở Tư pháp, không theo quy định Luật DN 2005.

Thứ hai, các thủ tục hành chính đi kèm thủ tục đăng ký DN còn nhiều. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2014 đã chỉ ra, thành lập DN ở Việt Nam phải trải qua 10 thủ tục, mất đến 34 ngày, trong khi ở Thái Lan nhà đầu tư chỉ trải qua 4 thủ tục và 27,5 ngày, Malaysia chỉ cần 3 thủ tục và 6 ngày, Singapore 3 thủ tục và  2,5 ngày.

Thứ ba, Luật DN năm 2005 chỉ cho phép các công ty cùng loại mới được sáp nhập, điều này chưa phù hợp với thực tế khi can thiệp vào quyền tự chủ của DN. Bởi luật không giải thích thuật ngữ “cùng loại” là về loại hình công ty hay ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, gây trở ngại cho việc sáp nhập, hợp nhất DN.

Thứ tư, Nghị định 43 và Nghị định 102/2010/NĐ-CP không cho phép DN tư nhân chuyển thành công ty hợp doanh, hoặc chuyển từ công ty TNHH thành DN tư nhân, tức loại bỏ công ty hợp doanh ra khỏi đối tượng chuyển đổi DN. Như vậy khi DN tư nhân muốn chuyển thành công ty hợp doanh hoặc ngược lại phải làm thủ tục giải thể, sau đó đăng ký lại dẫn đến tốn kém thời gian, công sức và chi phí. Trong khi thủ tục giải thể cũng gặp một số vướng mắc.

Cụ thể, Luật DN 2005 và Nghị định 43 chưa quy định thời hạn để cơ quan thuế xác nhận quyết toán thuế nên nhiều DN bị ách hồ sơ tại cơ quan thuế, bất lợi cho DN; thủ tục giải thể chưa được hiện đại hóa, tin học hóa gắn kết với cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội và cơ quan công an gây mất thời gian, không phù hợp với yêu cầu cải cách.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tái cấu trúc nền kinh tế thông qua cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đăng ký DN để thu hút nhà đầu tư như hiện nay, TS. Nghị cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều khoản, quy định trong Luật DN năm 2005 như: (1) bổ sung quy định cho phép công ty TNHH 2 thành viên và CTCP được chia tách thành công ty TNHH 1 thành viên mà không nhất thiết phải là công ty cùng loại với công ty bị chia hay bị tách theo Luật DN năm 2005, nhằm tăng tính chủ động cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn hình thức DN phù hợp hoạt động.

(2) Sửa đổi Điều 152 và Điều 153 cho phép các loại hình công ty không phân biệt cùng loại hay khác loại đều có quyền tiến hành sáp nhập, hợp nhất nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đáp ứng nguyện vọng của số đông DN.

(3) Sửa đổi Điều 154 của Luật DN 2005 và Điều 36 Nghị định 102 theo hướng cho phép tất cả các loại hình DN được chuyển đổi lẫn nhau, nhằm đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành. Việc chuyển đổi này cần bổ sung quy định để tránh tình trạng DN lợi dụng nhằm trốn tránh hoặc giảm trách nhiệm tài sản trước đối tác, chủ nợ gây bất ổn kinh tế - xã hội.

Các giải pháp nêu trên hướng đến mục đích vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế, tăng tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Các tin khác