Đầu tư nông nghiệp còn nhiều lực cản

(ĐTTCO) - Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp góp ý dự thảo nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP (về cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp).

(ĐTTCO) - Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp góp ý dự thảo nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP (về cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp).

Tính đến năm 2017, tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương thực hiện Nghị định 210 trong 3 năm (2015, 2016, 2017) là 279,5 tỷ đồng/tổng số 379,5 tỷ đồng cam kết hỗ trợ theo các văn bản thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn ngân sách trung ương.

Được biết, tổng số 64 dự án của 23 địa phương được hỗ trợ, với tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng. Như vậy tỷ lệ vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước/tổng mức đầu tư dự án chỉ tương đương 5,93%.

Dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng Nghị định 210 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Đáng chú ý trong đó là ưu đãi về đất đai. Theo Điều 5, Điều 8 Nghị định 210 (Nhà nước ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất của nhà đầu tư thực hiện dự án nông nghiệp, nông thôn khi được Nhà nước giao đất) chưa phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 (quy định việc giao đất nông nghiệp cho đối tượng hộ gia đình, đối với tổ chức kinh tế chỉ cho thuê hàng năm hoặc lâu năm).

Chính quy định này đã dẫn đến những vướng mắc trong tích tụ đất nông nghiệp hiện nay, đất nông nghiệp chưa thực sự là hàng hóa và có giá trị thấp. Mặt khác, đất nông nghiệp (có giá trị thấp hơn đất ở) lại có quy định về thời hạn sử dụng (tối đa 50 năm) và hạn mức diện tích sử dụng.

Đây được xem là phân biệt chính sách giữa 2 loại đất trên, dẫn đến nhiều cản trở đối với việc tích tụ đất nông nghiệp. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi cần diện tích đất lớn để đầu tư dự án nông nghiệp.

Một trong những hạn chế khác của Nghị định 210 là về thủ tục hành chính. Theo quy định, quá trình từ đề nghị hỗ trợ đến nhận hỗ trợ của doanh nghiệp chưa đơn giản với khoảng 15 bước.

Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư về đất đai (đối với dự án mới đề nghị giao hoặc thuê đất) theo Luật Đất đai, thủ tục về cấp phép xây dựng theo Luật Xây dựng, thủ tục về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, làm mất nhiều thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp, dẫn đến triển khai các dự án chậm.

 Theo thống kê năm 2014, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp (trong số này doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3%). Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp cũng rất có tiềm năng thu hút đầu tư.

Điều này thể hiện qua việc tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp nông nghiệp năm 2014 là 283.870 tỷ đồng, chiếm 1,41% tổng vốn của doanh nghiệp cả nước; quy mô vốn bình quân trong các doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 24 tỷ đồng năm 2007 lên 73,9 tỷ đồng năm 2014.

Nhiều tập đoàn lớn phi nông nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Vingroup, Himlam, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai… Những đơn vị này cũng áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt.

Để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nhất là việc tích tụ đất đai, dự thảo nghị định đã tăng mức hỗ trợ thuê đất, mở rộng quy mô sản xuất cho doanh nghiệp (nâng mức hỗ trợ tiền doanh nghiệp thuê đất của hộ gia đình từ 20 lên 40%) và cho phép sử dụng đất của nông lâm trường theo quy định hiện hành…

Ngoài ra, tăng mức hỗ trợ mua bản quyền, nghiên cứu tạo sản phẩm mới, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; hỗ trợ các dự án sản xuất giống cây trồng, cây dược liệu bằng công nghệ nhân mô, hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà kính đối với các dự án sản xuất rau sạch, sản xuất hoa; hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (quy định mới)…

Đưa doanh nghiệp về với nông thôn là chìa khóa để giải quyết nhiều tiêu chí kinh tế của nông thôn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho nông thôn còn hạn chế. Vì thế, việc có cơ chế, chính sách cụ thể về đất đai, nguồn lực, vốn đầu tư... là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ với thị trường lớn và mâu thuẫn giữa hiệu quả thấp với rủi ro cao, cần được nhanh chóng xử lý.

Đó là cách tốt nhất để huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và là cầu nối nông dân - doanh nghiệp - thị trường. Mặt khác, đưa doanh nghiệp về nông thôn cũng tạo cơ hội và môi trường tốt để nông dân thích nghi với lối tư duy công nghiệp. Có như vậy, kinh tế nông nghiệp mới phát triển, đời sống nông dân được cải thiện và lộ trình xây dựng nông thôn hiện đại mới đạt kết quả thực chất và bền vững.

Các tin khác