Đầu năm nhập siêu có đáng lo

(ĐTTCO) - Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1, xuất khẩu cả nước đạt hơn 9,2 tỷ USD, trong khi nhập khẩu gần 10,2 tỷ USD. Có nghĩa trong 15 ngày đầu năm 2019 Việt Nam nhập siêu gần 1 tỷ USD. 
Như vậy, vừa mới tổng kết kỷ lục xuất siêu gần 7,2 tỷ USD trong năm 2018,  chỉ trong 15 ngày đầu năm mới 2019, Việt Nam đã thâm hụt gần 1 tỷ USD. Lý giải về việc bất ngờ nhập siêu đến cả tỷ USD chỉ trong nửa tháng, đại diện Phòng Thuế xuất khẩu - Cục Hải quan TPHCM, cho rằng do lượng ô tô nhập trong nửa tháng đầu năm tăng mạnh khiến cán cân thương mại chênh lệch cao.
Cụ thể, trong 15 ngày đầu năm, cả nước đã nhập 6.362 ô tô, trị giá đạt gần 158 triệu USD. Ngoài ra, có 2 nhóm hàng có số lượng nhập khẩu lớn nhất trong thời gian này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch đạt lần lượt 1,821 tỷ USD và 1,613 tỷ USD. 
Nguyên nhân nhập siêu còn được lý giải do kim ngạch xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tăng cả về lượng, giá trị, đã khiến cán cân thương mại thâm hụt.
Đầu năm nhập siêu có đáng lo ảnh 1  
Cụ thể, nhóm hàng điện thoại ghi nhận mức giảm kim ngạch xuất khẩu, chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD, thấp hơn 800 triệu USD so với cùng kỳ. Nhóm sản phẩm máy vi tính, điện tử và linh kiện cũng sụt giảm nhẹ gần 50 triệu USD. Trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ nhóm dệt may đạt được sự tăng trưởng, gần 1,25 tỷ USD, tương đương tăng khoảng 150 triệu USD so với cùng kỳ.
Có lẽ do dựa vào các số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu nửa tháng đầu năm 2019 nói trên, tại hội nghị tổng kết năm 2018 của Bộ Công Thương tổ chức ngày 17-1, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng báo cáo năm 2019 có thể nhập siêu khoảng 3 tỷ USD (dưới 2% so với kim ngạch xuất khẩu). Theo ông Vượng, những thách thức từ các thị trường mới nổi, biến động thay đổi nhanh từ tình hình địa chính trị thế giới... đang là những nguyên nhân tác động, làm đảo chiều cán cân thương mại từ xuất siêu hơn 7,2 tỷ USD năm 2018 sang nhập siêu trong năm nay.
Tuy nhiên, không đồng ý với kế hoạch này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Năm 2018 chúng ta đã xuất siêu đến mức độ như vậy, năm nay quay lại nhập siêu khoảng 2% là mức không thể chấp nhận”. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp duy trì cán cân thương mại xuất siêu, không để nhập siêu quay lại trong năm 2019.
Thực tế, năm 2018 chúng ta xuất siêu 7,2 tỷ USD, song khu vực kinh tế trong nước nhập siêu đến 25,6 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu gần 33 tỷ USD. Còn con số 1 tỷ USD nhập siêu nói trên cũng do doanh nghiệp FDI giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu máy móc, nguyên liệu. Điều này cho thấy, do lệ thuộc vào khu vực FDI nên khi khối này “hắt hơi”, cán cân thương mại của chúng ta ngay lập tức bị “sổ mũi”. Rõ ràng, chúng ta chưa thoát khỏi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều lệ thuộc và điều này chứng tỏ nội lực của chúng ta chưa phát triển đúng thực chất, yêu cầu của nền kinh tế hội nhập.
Để giảm nguy cơ nhập siêu, tăng tính ổn định cho kim ngạch xuất khẩu, không còn cách nào khác phải chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Cùng với đó, phải có chính sách hỗ trợ hiệu quả để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ, đủ để tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu của khối FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối.
 Cụ thể, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng xuất khẩu theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường các FTA mang lại.
Vấn đề đặt ra lúc này, thay vì nhập siêu chủ yếu nhập nguyên nhiên liệu, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, cần hướng tới việc nhập siêu thay đổi về chất, tạo đà cho sự phát triển bền vững sau này. Theo đó, với các FTA như Việt Nam-EU, hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khả năng đầu tư vào Việt Nam sẽ lớn, nhập khẩu công nghệ, máy móc hiện đại của Việt Nam cũng sẽ gia tăng những mặt hàng có giá trị lớn. Lúc đó sẽ thay đổi từ chỗ xuất siêu sang nhập siêu. Tuy nhiên, nhập siêu khi đó lại biểu hiện tốt, đáng mừng, không đáng lo như hiện tại. 

Các tin khác