Đau đầu cục nợ doanh nghiệp nhà nước

Đến nay, các văn bản pháp lý cho quá trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được ban hành; các đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) lớn đã được phê duyệt và đang được triển khai.

Đến nay, các văn bản pháp lý cho quá trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được ban hành; các đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) lớn đã được phê duyệt và đang được triển khai.

Tuy nhiên, những số liệu và phân tích về hoạt động của DNNN trong báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội, cũng như trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2013 “Thách thức còn ở phía trước” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố cuối tháng 11, cho thấy khu vực DNNN vẫn gây quá nhiều băn khoăn và lo lắng cho các nhà quản lý về thực trạng nhức nhối của khối DN này.

Tại báo cáo tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phẩn, vốn góp của Nhà nước gửi tới Quốc hội, Chính phủ nêu những con số đáng ngại. Cụ thể, 127 TĐ, TCT nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả lên đến 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.

Trong khi đó, báo cáo kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết năm 2012 tổng nợ của 73 TĐ, TCT là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 (so với 1,77 năm 2011); tổng tài sản/nợ phải trả 1,6.

Lỗ của các TĐ, TCT khoảng 2.253 tỷ đồng và có 10 đơn vị có số lỗ lũy kế lên đến 17.730 tỷ đồng. Điều đáng nói nợ xấu của khu vực DNNN chiếm tỷ trọng lớn nhưng rất khó giải quyết bằng giải pháp thị trường. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối năm 2012, nợ xấu của DNNN chiếm 11,82% tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và 5,05% dư nợ đối với DNNN.

Từ những số liệu này, ước tính số nợ xấu của khu vực DNNN là 24.950 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu này chưa bao gồm nợ xấu của Vinashin (ước tính 19.800 tỷ đồng) và nợ đã được cơ cấu lại theo Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước (chiếm khoảng 10% tổng dư nợ năm 2012). Nếu theo phép tính này, tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực DNNN vào khoảng 73.050 tỷ đồng.

Khác với DN tư nhân có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho DN khác để có tiền trả nợ ngân hàng nhằm tránh phá sản, DNNN rất khó bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy giảm.

Vì vậy, các khoản nợ DNNN vay thường trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn... Các  hình  thức  hỗ  trợ  từ  ngân  sách  nhà  nước,  từ  khoanh nợ có thể khiến DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước, làm thất thoát tiền thuế của nhân dân.

Thực tế nợ nần và hoạt động kém hiệu quả của DNNN cho thấy cần có những giải pháp mang tính đột phá, phải đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực DN này trong thời gian tới. Trong đó, việc mạnh dạn giảm tỷ trọng đóng góp của DNNN vào GDP như gợi ý trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là rất đáng lưu tâm.

Mặc dù những năm qua tỷ trọng đóng góp của DNNN vào GDP đã giảm, xuống còn khoảng 25-27% GDP, nhưng vẫn là rất cao so với các nước trên thế giới. Chính phủ cần có định hướng để giảm đóng góp của khu vực này vào GDP ở mức 15-17% vào năm 2015 và xuống mức dưới 10% vào năm 2020 như hầu hết các nước trên thế giới.

Ngoài ra, để giảm tỷ trọng của khu vực DNNN trong nền kinh tế, cần mở rộng sự tham gia của tư nhân trên tất cả các lĩnh vực. Để làm được điều này cần xây dựng khuôn khổ luật pháp và quy định tài chính thống nhất cho tất cả DN trong các lĩnh vực kinh doanh cũng như khu vực địa lý. Điều này sẽ buộc DN phải cạnh tranh mạnh hơn, phải sử dụng các nguồn lực của mình hiệu quả hơn, giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất.

Vấn đề nữa cần tập trung thực hiện quyết liệt là giảm đầu mối đại diện chủ sở hữu nhà nước, thông qua việc cải cách cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện hành theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ việc quản lý DNNN dưới dạng quỹ quản lý vốn, thay vì trực thuộc Chính phủ, các bộ, hoặc UBND tỉnh.

Việc quản trị DNNN trở nên  chuyên nghiệp hơn và dựa trên các tiêu chí mang tính thị trường hơn. Trong giai đoạn còn nhiều DNNN như hiện nay, có thể Nhà nước cần vài công ty theo mô hình công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), thay vì chỉ có 1 SCIC như hiện tại.

Theo đó, mỗi SCIC sẽ phụ trách một lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ công nào đó. Chẳng hạn SCIC1 chuyên về đầu tư các công ty trong lĩnh vực tài nguyên, SCIC2 chuyên về các dịch vụ cơ bản, SCIC3 chuyên về công nghệ cao, SCIC4 chuyên về lĩnh vực an ninh, quốc phòng, SCIC5 chuyên về phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở...

Các tin khác