“Đau đầu” bầu Kiên

Cả 2 sự kiện này đều có điểm chung là mổ xẻ quan điểm “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”. Đây vốn là tinh thần mang tính cốt lõi của Luật Doanh nghiệp, nhưng nhiều năm qua chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Tuần qua, phần tranh tụng gay gắt tại phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là giới doanh nghiệp. Cùng thời điểm đó, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Cả 2 sự kiện này đều có điểm chung là mổ xẻ quan điểm “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”. Đây vốn là tinh thần mang tính cốt lõi của Luật Doanh nghiệp, nhưng nhiều năm qua chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Trong lần sửa đổi này, Quốc hội muốn làm rõ và đưa ra các quy định cụ thể hơn để doanh nghiệp thực sự được làm những gì pháp luật không cấm, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Một quy định mang tính đột phá trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh, đồng thời quy định rõ danh mục các ngành nghề kinh doanh bị cấm, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Trong khi đó, tại phiên tòa đang xét xử, bầu Kiên cũng đang tận dụng tối đa quan điểm “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm” để tự bào chữa cho các tội danh của mình. Bằng những lý lẽ mạch lạc, bầu Kiên đã trích dẫn nhiều điều khoản trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… để chứng minh rằng hành vi mua cổ phần, cổ phiếu ngân hàng của các công ty mà bị cáo là chủ sở hữu và đồng chủ sở hữu không phải là “kinh doanh trái phép”. Hoạt động mua cổ phần ngân hàng, theo luật định là hoạt động đầu tư, không phải là hoạt động kinh doanh. Vì thế, các công ty của bầu Kiên dù trong giấy phép kinh doanh không có chức năng kinh doanh tài chính, việc mua cổ phần ngân hàng cũng không phải là kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên, phần bào chữa này bị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa bác bỏ và khẳng định bầu Kiên vẫn có tội. Đáp lại, ông Kiên “cám ơn” đại diện Viện Kiểm sát đã giữ nguyên quan điểm việc mua cổ phiếu, cổ phần là hoạt động đầu tư kinh doanh phải xin phép. “Tôi mong Viện Kiểm sát giữ ý kiến trên trong suốt quá trình xét xử, vì đây là bằng chứng giúp tôi chứng minh với các vị lãnh đạo cơ quan thẩm quyền là Viện Kiểm sát đã làm sai thế nào trước pháp luật” - ông Kiên nói và đề nghị Quốc hội có ý kiến về việc Viện Kiểm sát đã đánh giá sai những ý kiến nội dung mà Quốc hội đã thông qua.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên còn kéo dài đến cuối tuần này, quan điểm tranh tụng giữa bị cáo và cơ quan công tố ai đúng, ai sai sẽ tiếp tục được hội đồng xét xử xem xét. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở phiên tòa, nếu cho rằng bầu Kiên có tội có thể thấy rằng đang có những kẽ hở không nhỏ trong các quy định của pháp luật. Xét về mặt lý lẽ, lập luận, cơ sở pháp lý, cơ quan tư pháp đang có phần “dưới cơ” bị cáo và các luật sư.

Nhưng với những gì cơ quan điều tra làm rõ trong vụ án bầu Kiên, nếu dùng chữ “vô tội” là không ổn. Chẳng hạn, trong kết luận điều tra có nêu hành vi phát hành trái phiếu bán cho ACB lấy cả ngàn tỷ đồng, dùng dòng tiền thông qua các công ty con mua cổ phần các ngân hàng khác, rồi lấy số cổ phần đó cầm cố ở ABC để tiếp tục vay tiền. Một chuyên gia ngân hàng nhận định chính việc phát hành trái phiếu dễ dàng thời đó là khe hở để nhiều tay tài phiệt góp vốn sở hữu nhiều ngân hàng nhưng thực chất không góp gì. Đây chính là khởi đầu của hiện trạng sở hữu chéo - một mớ bùng nhùng mà cho đến giờ vẫn chưa gỡ hết.

Hay như lấy tiền gửi của người dân ở ACB giao cho nhân viên đi gửi ở ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất cũng là hành vi trái với quy luật cạnh tranh thông thường, bóp méo thị trường. Tiền chạy từ ngân hàng sang ngân hàng theo kiểu này tạo ra tăng trưởng tín dụng ảo, góp phần làm bất ổn thị trường tiền tệ và dễ gây đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc làm này được thực hiện trước khi thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng của NHNN có hiệu lực: Cấm.

Trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến vào việc sửa đổi các đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Tinh thần chung trong các dự luật sửa đổi là tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng hơn đối với hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và người dân. Đây là xu hướng cần thiết để hoàn thiện, đổi mới thể chế kinh tế, phát huy nội lực góp phần thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.

Tuy nhiên, qua thực tế xét xử vụ án bầu Kiên, có nhiều vấn đề cần được đặt ra. Đó là pháp luật tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời phải bảo đảm sự chặt chẽ, không có các kẽ hở để các cá nhân, tổ chức có thể dễ dàng lách luật trục lợi.

Những vấn đề thực tiễn đã đặt ra cần được tổng kết, phân tích một cách kỹ càng, chuyển thành những quy định cụ thể trong luật. Ý nghĩa của phiên tòa đang diễn ra không phải là phạt tù bằng được bầu Kiên, mà quan trọng hơn là rút ra bài học để bịt những khe hở, không để giới tài phiệt thao túng thị trường. Nếu không, dù luật đã được sửa, tình trạng mơ hồ, lách luật vẫn sẽ diễn ra.

Các tin khác