Đánh mất lợi thế

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trong những năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt nhiều khó khăn, trở ngại khi những nguồn lực cho tăng trưởng ngày càng trở nên cạn kiệt.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trong những năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt nhiều khó khăn, trở ngại khi những nguồn lực cho tăng trưởng ngày càng trở nên cạn kiệt.

Do vậy, việc phát triển hệ thống kho vận (logistics) có hiệu quả sẽ là nguồn lực mới giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với truyền thống ổn định về chính trị, xã hội kể từ sau thời kỳ mở cửa và vị trí địa lý thuận lợi, gần với các tuyến thương mại hàng hải và trung tâm cảng container nhộn nhịp nhất thế giới (Singapore, Hồng Công), đây chính là những yếu tố thúc đẩy nâng cao năng lực thương mại của Việt Nam trong những năm tới.

Thực tế thời gian qua dù nước ta nắm giữ những yếu tố thuận lợi để phát triển vận tải biển và kho vận, song năng lực khai thác còn rất hạn chế so với các nước châu Á. Theo đánh giá của Bộ Giao thông - Vận tải, hiện nay chi phí cho logistics ở nước ta chiếm 20% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm 50-60%.

Đây là chi phí rất lớn và nếu khai thác được triệt để nguồn lực này sẽ tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế. Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu về hiệu quả kho vận vừa được WB công bố cho thấy chi phí kho vận của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Chính điều này đang làm hạn chế năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp vận tải nói riêng.

Đây thực sự là thách thức lớn, bởi từ năm 2014 thị trường logistics của Việt Nam chính thức mở cửa. GS. Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân), người vừa có chuyến khảo sát về logistics tại 10 tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, nhận định: “Sự chuẩn bị của các địa phương, ngành, doanh nghiệp cũng như từ phía Nhà nước cho mốc mở cửa thị trường logistics vào năm 2014 còn rời rạc, tự phát. Điều đáng lo ngại là nguy cơ doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường này đang hiện hữu”.

Nhận định trên là có cơ sở, bởi cho tới nay Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch, chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển logistics; việc xây dựng và phát triển hệ thống logistics trên các yếu tố thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics và nguồn nhân lực… chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nước ta có hơn 1.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bán buôn, bán lẻ và chuyển phát nhanh lên tới gần 140.000.

Số doanh nghiệp nội địa chiếm tới 80% tổng số doanh nghiệp logistics ở nước ta, nhưng chỉ chiếm gần 25% thị phần, 75% còn lại nằm trong tay một số tập đoàn lớn trên thế giới như APL Logistics, Maersk Logistics, NYK Logistics, Schenker, Hapag Lloyd, Zim, TWT, Sun Express… có nguồn tài chính mạnh, dồi dào, nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp.

Vậy trong thời gian tới cần phải làm gì để đảo ngược tình thế, biến ngành dịch vụ này trở thành “chìa khóa” nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế? Trước hết cần phải tăng cường nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của logistics trong nền kinh tế quốc dân.

Ở tầm vĩ mô, cần xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 tầm nhìn 2030 (trong đó, các trung tâm logistics có thể quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050) để các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển logistics; kết nối các quy hoạch, chiến lược phát triển của các ngành trong nền kinh tế.

Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động và tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh. Sự liên kết và hợp tác trong hoạt động logistics là điều rất cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Các chuyên gia đến từ WB nhấn mạnh tới yêu cầu hiện đại hóa hệ thống thông quan.

Theo WB, hiện nay quy trình thông quan ở Việt Nam là sự lai tạp giữa 2 phương thức điện tử và thủ công. Điều này khiến quá trình thông quan bị chậm chễ, nhất là đối với hàng nhập khẩu, đồng thời vẫn xảy ra tình trạng cán bộ hải quan nhận tiền “bồi dưỡng” trong quá trình thông quan.

Do đó, tự động hóa toàn bộ quy trình thông quan, đồng thời áp dụng các chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới về phân loại, áp mã hàng hóa… là điều Việt Nam cần gấp rút thực hiện.

Các tin khác