Đại gia và vốn ảo

Ngay sau khi ông Thắm bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng vào ngày 24-10, thị trường bắt đầu vào cuộc “soi” kỹ hơn khối tài sản ông Thắm đang thực sự sở hữu và họ đồn rằng ông có thể giàu chỉ sau “bầu” Đức, hay tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
 

Từng 4 năm liên tiếp lọt vào danh sách 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán kể từ năm 2010 và gần đây nhất là vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng năm 2013, khối tài sản của ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup), được thống kê chính thức hơn 1.400 tỷ đồng.

Ngay sau khi ông Thắm bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng vào ngày 24-10, thị trường bắt đầu vào cuộc “soi” kỹ hơn khối tài sản ông Thắm đang thực sự sở hữu và họ đồn rằng ông có thể giàu chỉ sau “bầu” Đức, hay tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Việc dấy lên tin đồn đại gia này có tài sản “khủng” cũng dễ hiểu, bởi ông Thắm đang tại vị nhiều vị trí chủ chốt ở nhiều doanh nghiệp liên quan: Chủ tịch HĐQT của 5 tổ chức có quan hệ mật thiết với nhau là OceanGroup, NHTMCP Đại Dương (OceanBank), CTCP Khách sạn và Du lịch Đại Dương (Ocean Hospitality-OCH), Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và CTCP Truyền thông TV Shopping.

Trước đó ông Thắm còn là Chủ tịch của CTCP Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương, cùng với nhiều thương vụ đình đám như việc mua lại thương hiệu kem Tràng Tiền. Song những dự đoán trên đã trở nên nghịch lý khi tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng cơ quan Thanh tra NHNN là đơn vị phát hiện ra những sai phạm của ông Thắm và thông báo cho ông (khi đó đang là Chủ tịch HĐQT OceanBank) khắc phục những bất ổn để hoạt động tốt hơn, không vi phạm luật pháp.

Tuy nhiên, sau thời gian tạo điều kiện ông Thắm vẫn không khắc phục được nên Thanh tra NHNN đã đề nghị cơ quan điều tra tiến hành xem xét, khởi tố. Nghịch lý ở đây là với một khối tài sản cả chính thức và chưa công bố đồ sộ như vậy tại sao ông Thắm lại không thể khắc phục những sai phạm trong sử dụng đồng vốn?

Quay trở lại với các tổ chức ông Hà Văn Thắm có sở hữu cổ phần trực tiếp và gián tiếp chằng chịt với nhau. Bắt đầu từ OceanGroup, sở hữu cá nhân của ông Thắm chỉ chiếm khoảng 1,1% vốn, trong khi đó Doanh nghiệp Hà Bảo do ông nắm giữ lại sở hữu đến 44,4%. OceanGroup đang sở hữu 75% vốn tại Ocean Hospitality, nhưng tập đoàn này lại có đến 20% cổ phần tại OceanBank.

Cũng tại OceanBank, cá nhân ông Thắm nắm giữ 0,92%, nhưng các doanh nghiệp liên quan đến ông Thắm như doanh nghiệp Hà Bảo đang sở hữu hơn 1%, Ocean Hospitality 0,88% và Công ty VTN do ông từng làm Tổng giám đốc nắm giữ 20%. Và tất cả những đơn vị này ông Thắm đều giữ chức vụ cao.

Giới tài chính biết nhiều đến ông chính là 2 trụ cột OceanGroup và OceanBank. Sự lớn nhanh như thổi của 2 đơn vị này đã giúp ông trụ vững trong danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán. Cụ thể, OceanGroup được ông Hà Văn Thắm cùng một số thành viên gia đình sáng lập vào năm 2007 với số vốn lúc đó 10 tỷ đồng.

Qua 4 lần tăng vốn tại các năm 2008, 2009 và 2010, số vốn của OceanGroup đạt đến 2.500 tỷ đồng, tăng khoảng 250 lần so với ban đầu. Đáng chú ý chỉ có 9 cổ đông cá nhân và các công ty liên quan. Hiện tại OceanGroup có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Tương tự tại OceanBank, tiền thân là NHTMCP Nông thôn Hải Hưng được thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ 300 triệu đồng.

Năm 2007, NH chuyển đổi mô hình hoạt động thành NH đô thị và đổi tên thành OceanBank và cũng có sự tăng trưởng đột biến song song với OceanGroup. Chỉ trong thời gian ngắn từ 2006-2010, NH này đã thực hiện 6 đợt tăng vốn lên gấp 24 lần so với số ban đầu, tương đương 4.000 tỷ đồng vào năm 2010 so với 71 tỷ đồng năm 2006. Quy mô tổng tài sản của OceanBank cũng tăng mạnh từ khoảng 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2006 lên 13.680 tỷ đồng năm 2007 và đến năm 2010 đạt 55.138 tỷ đồng. Trái ngược với quy mô tăng vốn và tổng tài sản, lợi nhuận của OceanBank lại có xu hướng giảm dần.

Với chiến lược phát triển theo hướng tập đoàn đa ngành đầu tư vào nhiều lĩnh vực, OceanGroup có nhu cầu vốn rất lớn để thực hiện các dự án. Từ chỗ sở hữu cổ phần tại nhiều tổ chức có mối quan hệ với nhau, lãnh đạo OceanGroup đã dùng đó để thế chấp cho các khoản vay vốn và lẽ dĩ nhiên với cương vị Chủ tịch HĐQT ông Hà Văn Thắm có liên quan.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính số 22 soát xét bán niên 2014 của OceanGroup, cho thấy “Vay và nợ ngắn hạn” là 1.314 tỷ đồng, trong đó đã dùng 37 triệu cổ phiếu OceanBank để đảm bảo cho khoản vay 434 tỷ đồng tại một NH ở TPHCM, tiếp tục dùng 2,5 triệu cổ phiếu OceanBank và 32 triệu cổ phiếu Ocean Hospitality (OCH) để đảm bảo cho khoản vay 450 tỷ đồng tại NHTMCP Quốc Dân. Đồng thời, tập đoàn này cũng vay tại OceanBank hơn 56 tỷ đồng với lãi suất thả nổi và không có tài sản đảm bảo…

Câu chuyện cầm cố cổ phần vay vốn không có gì lạ trong giới tài chính, đặc biệt là khi những đại gia nắm cổ phần chi phối tại các NHTMCP. Vì vậy, nhìn bề ngoài nhiều người có khối tài sản lớn nhưng thực tế phần lớn tài sản đó là vốn ảo và nợ vay.

Các tin khác