Củng cố niềm tin cải cách thể chế

Nhìn qua một vài chỉ số vĩ mô có thể thấy rõ điều đó: CPI qua 8 tháng mới tăng 1,84% - thấp nhất trong vòng 5 năm qua, thể hiện sức cầu trong nước vẫn chưa cải thiện. Số liệu được Bộ Công Thương công bố, cho thấy tại thời điểm 1-7, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng hơn 13% so với cùng thời điểm năm trước.
 

Năm 2014 đã đi được gần ba phần tư chặng đường, nhưng cho đến nay xu hướng phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa thực sự rõ nét.

Nhìn qua một vài chỉ số vĩ mô có thể thấy rõ điều đó: CPI qua 8 tháng mới tăng 1,84% - thấp nhất trong vòng 5 năm qua, thể hiện sức cầu trong nước vẫn chưa cải thiện. Số liệu được Bộ Công Thương công bố, cho thấy tại thời điểm 1-7, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng hơn 13% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong khi đó, đến hết tháng 7, tín dụng mới đạt 3,68%, cách rất xa mục tiêu 12-14% của cả năm... Nhưng để hình dung rõ hơn về những khó khăn, thách thức đang hiển hiện, có lẽ nhìn vào số doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường là chính xác nhất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng qua số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp, hoặc không đăng ký là 44.500, tăng 12,9% so cùng kỳ năm trước.

Tất nhiên, những khó khăn của nền kinh tế có căn nguyên mang tính cơ cấu không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Nhưng với những ai lạc quan, có lẽ vẫn có thể tìm thấy niềm tin khi chứng kiến những chuyển biến về tư duy quản lý kinh tế, thể hiện từ những quyết tâm cải cách thể chế thời gian qua. Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện.

Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Một trong những nguyên nhân là động lực những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Vì thế, chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. Và cải cách thể chế kinh tế đã được khởi động ngay từ đầu năm 2014 với việc xem xét sửa đổi những đạo luật liên quan đến hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Đến nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được Chính phủ gấp rút hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Mặc dù còn gặp một số lực cản do mâu thuẫn về lợi ích khi các dự luật này được đưa ra thảo luận, nhưng điều đáng mừng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt cho “mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”.

Không ít lần, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta, mà quản lý để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn”. Đây chính là sự thay đổi tư duy theo tinh thần “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển” để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân - mục tiêu mà Hiến pháp năm 2013 đã đề ra.

Không chỉ sửa đổi luật, tháng 3-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với nhiều mục tiêu cụ thể. Nhận thấy các bộ, ngành chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để thực hiện nghị quyết này, mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành 4 buổi làm việc trực tiếp với ngành thuế, hải quan, xây dựng, tài nguyên môi trường để đốc thúc những giải pháp mang tính đột phá về cải cách môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19.

Kết quả, từ ngày 1-9 tới đây một loạt thủ tục về thuế sẽ được dỡ bỏ (giúp doanh nghiệp giảm được tới 200 giờ/năm cho việc khai, tính thuế), bắt đầu lộ trình để cắt giảm 50% thủ tục và thời gian nộp thuế vào cuối năm nay. Các ngành khác như hải quan, xây dựng, quản lý đất đai... cũng đang bắt tay vào rà soát và cắt giảm thủ tục nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp.

Như vậy, dù vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng quyết tâm cải cách thể chế đã phần nào tạo được niềm tin cho thị trường. Vấn đề đặt ra, như Báo ĐTTC đã nhiều lần đề cập, cải cách thể chế cần đi vào thực chất, vào thực tế quản lý - nghĩa là phải giúp doanh nghiệp và người dân cảm nhận rõ ràng được sự thay đổi khi họ tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu chỉ hô hào, thể hiện sự quyết tâm mà không có thay đổi thực chất, niềm tin mới nhen nhóm sẽ bị tổn thương. Điều này đòi hỏi sự cải cách mạnh hơn về bộ máy thực thi chính sách, bởi chính sách có tốt đến mấy, nhưng bộ máy thực hiện chưa tốt, mục tiêu đề ra cũng không đạt được.

Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng cải cách về thể chế mới ở giai đoạn đầu. Những điểm nghẽn lớn về thể chế vẫn chờ được khơi thông. Đó là vấn đề quản trị doanh nghiệp nhà nước còn duy trì ở diện rộng; phân cấp, phân quyền đi đôi với ràng buộc trách nhiệm chưa đúng mức trong quản lý đầu tư công; thể chế thị trường cho các hàng hóa công ích còn chập chờn; chất lượng, tính minh bạch của thống kê kinh tế... Chặng đường cải cách còn dài, và niềm tin cần được nuôi dưỡng để nền kinh tế có thể phục hồi một cách bền vững.

Các tin khác