Củng cố niềm tin

(ĐTTCO) - Những cuộc khảo sát điện tử tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân ngày 31-7 mang đến cái nhìn của khá nhiều doanh nghiệp tư nhân về cách điều hành của Chính phủ và mong muốn của họ hiện nay. 
Củng cố niềm tin
Ngay tại diễn đàn, một số khảo sát đưa ra đã cho thấy cảm nhận của doanh nhân trong bối cảnh hiện nay. Với câu hỏi: Trong thông điệp của Chính phủ, bạn mong muốn tiêu chí nào nhiều nhất? Kết quả có đến 65% doanh nghiệp chọn phương án mong muốn Chính phủ hành động, 24% doanh nghiệp chọn liêm chính và 11% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kiến tạo.
Với câu hỏi: Theo bạn, GDP năm 2017 sẽ đạt mức nào? Kết quả có 38% doanh nghiệp chọn phương án 6,5-6,7%; 36% chọn thấp hơn 6,5%; và 26% chọn trên 6,7%. Về kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2017 so với 2016 ra sao? Bình chọn tại diễn đàn cho thấy 56% doanh nghiệp chọn tăng lên, 23% giữ nguyên và 21% chọn sẽ giảm. 

Ngoài ra, tỷ lệ 52% và 48% doanh nghiệp tương ứng với tin và không tin đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; có 48% doanh nghiệp cho rằng Chính phủ sẽ giải quyết các đề xuất tại hội nghị với tỷ lệ trên 50%, 28% chọn khoảng 50% và 23% chọn dưới 50%.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng sự có mặt của người đứng đầu cao nhất Chính phủ tại diễn đàn đã khẳng định vai trò của khu vực tư nhân với sự năng động, là cam kết của Chính phủ với sự phát triển của khu vực tư nhân, thể hiện Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Nghị quyết Trung ương 5 đã ghi nhận khu vực tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế và Việt Nam không thiếu chính sách, quy định nhưng điều quan trọng là phải tập trung tiếp tục nâng cao chất lượng chính sách, tính nhất quán và hiệu quả của việc triển khai chính sách…

Hiện cả nước có trên 23.000 dự án đầu tư nước ngoài (FDI); năm 2016 có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới và 6 tháng có trên 75.000 doanh nghiệp ra đời… Những con số đó cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện rõ nét.
Điều này cũng đã được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá tích cực khi Việt Nam đã tăng 9 bậc xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập đang tồn tại. Đó là chi phí để doanh nghiệp hoạt động vẫn còn cao, như chi phí bến bãi, lãi vay, chi phí không chính thức, chi phí giao thông vận tải, BOT… Điều đó đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục có biện pháp mạnh mẽ hơn để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Đó cũng có thể là lý do khiến kỳ vọng về cải thiện kinh tế năm 2017 của doanh nghiệp tư nhân không cao: 43% doanh nghiệp cho rằng sẽ thuận lợi hơn, 36% cho rằng khó khăn hơn và 21% cho rằng không thay đổi. Như vậy có đến 57% cho rằng sẽ khó khăn hơn hoặc tình hình không có thay đổi. 

Đây là điều rất đáng suy nghĩ trong bối cảnh Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh hơn 1 năm qua. Một khảo sát được công bố tại diễn đàn, cũng cho biết những rào cản được các lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội chỉ ra là giấy phép con quá nhiều; khởi nghiệp khó/không xin được giấy phép do ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục; giấy phép chuyên ngành xuất nhập khẩu quá nhiều và phức tạp; thủ tục hành chính; tiếp cận đất đai; chính sách thuế, bảo hiểm; tiếp cận vốn… 

Điều cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn nói như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT: “Khi đưa câu hỏi này, chúng tôi dự báo đa số doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hành động là lớn nhất và kết quả là điều đúng mong đợi”.
Niềm tin của doanh nghiệp tư nhân có cải thiện nhưng để niềm tin đó tiếp tục được củng cố, rất cần Chính phủ tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn. Họ cần nhìn thấy được những chuyển động thực sự tích cực, nhanh chóng và hiệu quả của môi trường kinh doanh.

Các tin khác