Củng cố niềm tin

Số liệu thống kê số lượng doanh nghiệp buộc phải giải thể, ngừng hoạt động đang cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, một chỉ số khác cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức là hàng tồn kho tăng cao hơn so với năm 2013, ở mức 13,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp tại một số vùng công nghiệp trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... đều tăng chậm.

Hôm nay 13-10, tròn 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam. Với các doanh nhân Việt Nam, đây là ngày vui lớn, đánh dấu sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước tôn vinh những chiến sỹ xung kích trên mặt trận kinh tế trong thời bình. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa thật trọn vẹn, bởi cho đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Số liệu thống kê số lượng doanh nghiệp buộc phải giải thể, ngừng hoạt động đang cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, một chỉ số khác cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức là hàng tồn kho tăng cao hơn so với năm 2013, ở mức 13,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp tại một số vùng công nghiệp trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... đều tăng chậm.

Tại nhiều diễn đàn kinh tế gần đây, khi thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, các chuyên gia, nhà quản lý ngoài việc bày tỏ lo lắng, băn khoăn về một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp, như tăng trưởng GDP, CPI, tổng vốn đầu tư toàn xã hội..., có một điểm dễ nhận thấy là năm 2014 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn được coi là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn được đưa ra, trong đó nổi lên sự quyết liệt của Chính phủ thực hiện các nội dung quan trọng trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan yêu cầu cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Kết quả, từ tháng 9-2014, thời gian làm thủ tục nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm hàng trăm giờ; hàng loạt thủ tục liên quan đến thông quan xuất nhập khẩu, xây dựng, đất đai, thành lập doanh nghiệp… cũng đang được rà soát để cắt giảm. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng bắt đầu xắn tay vào thực hiện chủ trương cải cách thể chế kinh doanh, cụ thể đang tiến hành xem xét sửa đổi các đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…

Chính bởi vậy, dù đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có niềm tin lớn hơn vào sự khởi sắc của nền kinh tế. Tất nhiên, niềm tin này chưa bền vững, bởi thực tế khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn hiện hữu. Tổng cầu chưa được cải thiện khiến hàng tồn kho nhiều, lãi suất dù đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, xử lý nợ xấu còn chậm chạp…

Đó là những nguyên nhân ngắn hạn, trực tiếp khiến doanh nghiệp chưa thể ra khỏi cơn lao đao. Trong khi đó, về dài hạn, quá trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế đã được tiến hành hơn 3 năm nhưng chưa đạt được kết quả rõ rệt, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mới ở giai đoạn đầu.

Chính vì thế, để lực lượng doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát triển đúng với ý nghĩa được ghi nhận, tôn vinh; cần có sự tiếp sức mạnh hơn nữa từ phía các cơ quan điều hành chính sách. Như Báo ĐTTC đã nhiều lần đề cập, niềm tin mong manh mới tạo dựng cần được củng cố bằng những hành động thiết thực. Đó là cải cách môi trường kinh doanh thực sự, cải cách thể chế thực chất. Không chỉ những chính sách đưa ra, mà tư duy của những người thực hiện chính sách cũng phải được cải cách.

Làm sao để thực hiện được đúng tinh thần “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển”, phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân - mục tiêu Hiến pháp năm 2013 đã đề ra. Bên cạnh đó, cần sớm loại bỏ những lực cản, nhóm lợi ích cục bộ để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Về phía doanh nghiệp - doanh nhân, càng khó khăn càng cần tỏ rõ bản lĩnh và phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn. Tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển hay gục ngã trước sức mạnh của thị trường đang là “ngã ba đường” lựa chọn của doanh nghiệp - doanh nhân. Muốn tái cấu trúc, phải định vị lại chính mình. Lúc khó khăn cũng là lúc nhìn lại mình rõ nhất.

Phải củng cố được những yếu tố nền tảng của sự phát triển, trong đó ưu tiên hàng đầu là nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực. Phải vươn tới những chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, khơi dậy được sức sáng tạo và tinh thần doanh nhân Việt.

Các tin khác