Củng cố nền tảng, tăng tốc phát triển

2014 - một năm bộn bề những khó khăn thuận lợi đan xen - kết thúc. Cộng đồng doanh nghiệp lại hướng đến năm 2015 với những kỳ vọng mới. Để nhìn rõ hơn về bức tranh hoạt động của doanh nghiệp 2014 cũng như triển vọng năm 2015, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xung quanh vấn đề này.

2014 - một năm bộn bề những khó khăn thuận lợi đan xen - kết thúc. Cộng đồng doanh nghiệp lại hướng đến năm 2015 với những kỳ vọng mới. Để nhìn rõ hơn về bức tranh hoạt động của doanh nghiệp 2014 cũng như triển vọng năm 2015, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xung quanh vấn đề này.

Được và chưa

Phóng viên: - Ông có thể đưa ra một bức tranh về hoạt động của doanh nghiệp năm 2014?

Ông VŨ TIẾN LỘC: - Để có cái nhìn tổng thể về hoạt động của doanh nghiệp năm 2014, ta có thể nhìn rõ nhất qua con số của Tổng cục Thống kê. 11 tháng, cả nước có gần 67.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 391.300 tỷ đồng, giảm 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 14.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Thế nhưng, cả nước cũng có 60.340 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng với những chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ về “điểm nóng” lâu nay chậm thay đổi như cắt giảm, đơn giản hóa đến từng thủ tục theo lộ trình cụ thể, có thể cân đong đo đếm cụ thể bằng thời gian và tiền bạc. Như vậy mới “cởi trói”, mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn vào những số liệu đó, chúng ta có thể thấy mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi bối cảnh khó khăn, nhưng xét trên khía cạnh quy mô vốn, doanh nghiệp thành lập mới cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, các con số trên cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn khó khăn. Qua thông tin và kết quả điều tra khảo sát từ cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang gặp những khó khăn lớn.

Thứ nhất, mức độ minh bạch trong việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý từ các cơ quan chính quyền còn thấp.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp cho biết rất khó trong việc dự đoán được những thay đổi, điều chỉnh các quy định pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước (nghiên cứu của VCCI trong năm 2014 cho thấy có khoảng 13% doanh nghiệp dân doanh có thể dự đoán được những thay đổi trong quy định pháp luật).

Thứ ba, việc thực thi pháp luật của Trung ương tại các địa phương còn chưa dễ dàng cho các doanh nghiệp (chỉ có khoảng 9% doanh nghiệp có thể dự đoán được việc thực thi của tỉnh đối với quy định pháp luật của Trung ương).

Thứ tư, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Thứ năm, có sự trở lại của tư duy quản lý kiểu cũ tại một số ngành, lĩnh vực, thay vì tạo sự thông thoáng trong gia nhập thị trường và tăng cường hậu kiểm, trong một số lĩnh vực lại có xu hướng siết chặt trong điều kiện gia nhập thị trường, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa, giải thể.

- Năm 2014 đâu là câu chuyện khiến ông ấn tượng, suy ngẫm nhiều nhất?

- Điểm ấn tượng nhất trong năm 2014, đầu tiên đó là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về cải cách thủ tục hành chính với chuẩn mực tiên tiến của các nước ASEAN. Việc Chính phủ lấy tiêu chuẩn của ASEAN 6 là chuẩn mực để Việt Nam đi tới sẽ giúp tháo bỏ các rào cản kinh doanh.

Điểm nhấn thứ hai là câu chuyện cải cách thể chế. Sau nhiều lần lấy ý kiến, thảo luận, cuối cùng, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII với nhiều sửa đổi theo hướng tiến bộ.

Việc các luật này được thông qua hứa hẹn sẽ giúp phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điểm cốt lõi trong các luật này là luật hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc người dân có quyền làm tất cả những việc pháp luật không cấm.

Từ đó, các quy định đã đưa bộ máy quản lý nhà nước từ tư thế quản lý hành chính sang phục vụ phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Những sự chuyển biến đó nếu đi vào thực tế sẽ giúp doanh nghiệp trong nước phát triển và đang mở đường cho làn sóng đầu tư, kinh doanh thứ hai.

Tuy nhiên, điểm khác khiến tôi suy ngẫm hơn cả trong năm qua là câu chuyện về năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam thấp, điều đó đã được nói nhiều. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.

Nhưng cả một thời gian dài, vấn đề này hầu như không có nhiều cải thiện. Và điều này càng trở nên quan ngại hơn trong bối cảnh Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế khu vực lẫn thế giới vào năm 2015 như: Cộng đồng kinh tế ASEAN, các cam kết của ASEAN với đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand; chuẩn bị kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU; đàm phán tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương…

Chúng ta nói đến hội nhập, cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh… nhưng năng suất lao động thấp thì doanh nghiệp sẽ vẫn ở thế yếu khi cạnh tranh.

Kỳ vọng chuyển mình

- Ông kỳ vọng gì về năm 2015?

Những chuyển biến tích cực của môi trường kinh doanh từ đầu năm 2014 đến nay và tín hiệu về một làn sóng đầu tư mới từ cộng đồng kinh doanh cả trong và ngoài nước là minh chứng sống động cho kết quả của những nỗ lực đột phá của Chính phủ. Hy vọng, với những giải pháp đã, đang và sẽ thực hiện, Việt Nam sẽ ngày càng cải thiện thứ hạng trên bản đồ năng lực cạnh tranh của khu vực và thế giới.

- Năm 2014 là một năm nền kinh tế Việt Nam phải trải qua nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu thể chế kinh tế, kiềm chế lạm phát. Dù môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhưng kinh tế vĩ mô đã dần ổn định và tăng trưởng kinh tế cũng đã có tín hiệu phát triển tích cực. Lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp.

Lãi suất ngân hàng đã giảm đáng kể so với năm 2013, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu phục hồi và mở rộng sản xuất. Nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn đã đi vào khai thác, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp phát triển. Như tôi đã đề cập ở trên, với việc các thể chế chính sách liên quan đến doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều các luật thuế… đang hứa hẹn sự thay đổi lớn trong năm 2015.

Cùng với đó, Chính phủ đang triển khai những biện pháp mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo chuẩn ASEAN… Tôi cho rằng, nếu những quy định trong các luật trên được thực thi tốt, môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi đột phá trong năm 2015. Và, đây cũng là những vấn đề đang rất được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.

Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng số doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn rất lớn. Để sớm có sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết những hạn chế nội tại, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành.

Trong ngắn hạn, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn thời hạn nộp thuế để giảm bớt những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp có khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng khó khăn về vốn.

Về chính sách tiền tệ, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, cần tiếp tục hạ lãi suất huy động và cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế đã được đề ra với trọng tâm là đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

- Năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng và thách thức với cộng đồng doanh nghiệp?

- Rõ ràng, khi mở cửa thị trường, chúng ta có điều kiện để đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường lớn nhất thế giới với thuế quan được dỡ bỏ. Hội nhập càng sâu áp lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng cao. Đây chính là những cơ hội cũng như yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng cũng mang lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Đó là khi thâm nhập các thị trường, việc thuế quan giảm sẽ kèm theo rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo hộ sở hữu trí tuệ ngặt nghèo, các cam kết quốc tế về môi trường kinh doanh. Muốn tận dụng cơ hội, doanh nghiệp phải vươn tới tiêu chuẩn của thế giới, đó là thách thức rất lớn.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện, củng cố nền tảng quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro, phải xây dựng chiến lược, nguồn nhân lực tốt, làm ăn bài bản hơn. Phải tự làm cho mình mạnh lên, từ đó vươn ra thế giới.

Củng cố nền tảng tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Ảnh: LONG THANH

Củng cố nền tảng tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Ảnh: LONG THANH

- Là người đứng đầu tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông nghĩ sao về vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

- Việt Nam đã có những thành công rất ấn tượng trong công cuộc đổi mới các năm qua. Với Luật Doanh nghiệp ra đời trước đây, mà điểm đột phá là việc đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường đã dẫn tới kết quả bùng nổ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, từ 30.000 doanh nghiệp đã phát triển lên đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp, trong đó có thời điểm lên đến trên 600.000 doanh nghiệp.

Những năm tiếp sau, Việt Nam có tên trên bản đồ của những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới với các sản phẩm như dệt may, da giầy và các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản như: gạo, cà phê, hạt tiêu, tôm, cá…

Với hệ thống pháp luật khuyến khích đầu tư nước ngoài và mở cửa sau đó, Việt Nam nhanh chóng trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn của đầu tư nước ngoài với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đô la cam kết hàng năm.

Điều này cho thấy một kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong gần 30 năm đổi mới và mở cửa là sự thay đổi chính sách thông thoáng, thuận lợi sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và cả nền kinh tế.

Tôi nghĩ rằng, đó chính là những cơ sở để vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được thừa nhận trong xã hội. Sự ra đời của Nghị quyết 19 và  Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đã trở thành làn gió mới thúc đẩy cải cách.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác