CPI thấp chưa đủ giảm lãi suất

(ĐTTCO) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2017 không thay đổi so với tháng trước: tăng 4,3% so cùng kỳ, tăng 0,9% so tháng 12-2016, bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4,8% so cùng kỳ. 
Như vậy chỉ số lạm phát cơ bản tháng 4 chỉ tăng 0,09% so  tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,62%. Với việc giá thịt heo giảm kỷ lục (trên 40%) trong tháng 5, trong khi nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất (42,85%) trong rổ hàng hóa tính CPI, xem ra CPI trong tháng 5 sẽ giảm so tháng 4 và bình quân 5 tháng đầu năm 2017 sẽ nằm dưới ngưỡng 4%, chỉ số lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng sẽ tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, các yếu tố không kém phần quan trọng kéo CPI giảm trong tháng 5 như giá dầu thô thế giới đã quay đầu giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay, chỉ số giá lương thực thế giới tiếp tục xu hướng giảm từ đầu 2017, trong khi phương án điều chỉnh giá điện của Bộ Công thương vẫn đang trong quá trình xây dựng. 
Theo lý thuyết, CPI thấp là điều kiện để giảm lãi suất. Hơn nữa, chỉ tiêu CPI tăng khoảng 4% được Quốc hội đề ra cho năm 2017 được xem là điều kiện để giảm lãi suất, từ đó giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ cũng như hướng dòng vốn của tổ chức, cá nhân vào đầu tư, kinh doanh thay vì gửi tiết kiệm.
CPI thấp chưa đủ giảm lãi suất ảnh 1 Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, lãi suất tăng hay giảm phải căn cứ vào nhiều yếu tố như lượng cung tiền, cầu tín dụng, khả năng huy động vốn của hệ thống TCTD, diễn biến CPI… Do đó, CPI chỉ là một trong những yếu tố cần chứ chưa đủ để xem xét tăng hay giảm lãi suất. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ước tính hết tháng 4-2017 tín dụng tăng khoảng 5,2%, cao hơn so mức 4,2% của cùng kỳ 2016; trong khi huy động vốn 4 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ, ước tính đến cuối tháng 4-2017 tăng 3,7%, cùng kỳ năm 2016 tăng 4,6%. Tăng trưởng huy động chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng dẫn đến tỷ lệ tín dụng/huy động tăng nhẹ từ 86,3% lên 87%. 
Trong tháng 4 -2017, thanh khoản của hệ thống NH có dấu hiệu khó khăn cục bộ, biểu hiện là lãi suất liên NH vẫn ở mức khá cao, trên thị trường OMO NHNN bơm ròng hỗ trợ thanh khoản chủ yếu qua kênh cầm cố. Tính đến ngày 24-4, NHNN đã bơm ròng khoảng 27.000 tỷ đồng. Chốt tuần đầu tháng 5, lãi suất liên NH tiếp tục được duy trì tương đương với đầu tháng 4 và không có chênh lệch nhiều giữa các kỳ hạn qua đêm (4,88%), 1 tuần (4,92%), 1 tháng (4,97%), điều này  cho thấy một nhóm các TCTD đang có nhu cầu cao về thanh khoản trong ngắn hạn, dẫn đến việc đẩy lãi suất ở các kỳ hạn ngắn lên cao, tương đương với các kỳ hạn dài.
Tại các NHTM, đầu tháng 4-2017 đã diễn ra một đợt tăng lãi suất và nửa đầu tháng 5 xu hướng này vẫn tiếp diễn khi lãi suất huy động tại một số NH được điều chỉnh tăng 0,1-0,3% tùy kỳ hạn, trong đó mức lãi cao nhất cho kỳ hạn 18 tháng lên đến 8,2%/ năm. Hơn nữa, Việt Nam còn chịu áp lực giữ chênh lệch lãi suất USD và VNĐ ở mức hợp lý để đảm bảo có lợi cho VNĐ. 
Hiện nay, với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng 2-4%, lãi suất huy động phổ biến trên 12 tháng xung quanh mức 7% được xem là phù hợp. Về diễn biến của lãi suất, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016, do kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay, hay như nợ xấu chưa được xử lý triệt  để tiếp tục là rào cản lớn cho hạ mặt bằng lãi suất.
Do đó, lãi suất huy động có sức ép tăng cao hơn mức tăng của năm ngoái (năm 2016 lãi suất huy động bình quân tăng 0,37 điểm %). Song song đó, các TCTD tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ năm 2018. 

Ở tầm vĩ mô, lãi suất còn chịu tác động bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) 6,7% và lạm phát dưới 4%. Tại Việt Nam, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, tín dụng phải tăng mạnh. Nhưng thực tế trong 4 tháng đầu năm nay tín dụng đã tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 4,86%, cùng kỳ chỉ 3%, nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1%, kèm theo đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến lạm phát, huy động vốn, chạy đua lãi suất…
Do đó, để tăng tín dụng nhưng vẫn ổn định mặt bằng lãi suất cần đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống TCTD để giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Song song đó cần phải kiểm soát tốt nợ công, bội chi ngân sách và đầu tư công, thực hiện kỷ luật tài chính nhằm giảm lượng phát hành trái phiếu trong trung và dài hạn cũng như đưa lãi suất trái phiếu về mức hợp lý hơn, từ đó hệ thống NH mới có thêm điều kiện hạ lãi suất.

Các tin khác