Con số kỷ lục để làm gì?

(ĐTTCO) - Trong trong 9 tháng năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đóng góp vào nền kinh tế ngày càng cao hơn.
Con số kỷ lục để làm gì?
 Tuy nhiên, kỳ vọng về sức lan tỏa của dòng vốn này góp phần giúp doanh nghiệp (DN) trong nước có đủ sức mạnh để vươn lên, nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lại chưa như mong muốn.
Đó là việc khu vực FDI quá mạnh và phát triển riêng rẽ, lấn áp DN trong nước, tác động lan tỏa của FDI sang khu vực kinh tế trong nước hạn chế, còn gây ô nhiễm môi trường. Điều này dẫn đến thực trạng cứ 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam có 7,5 đồng thuộc về DN FDI. Đặc biệt, trong 10 yếu tố hấp dẫn hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam đối với DN FDI đều là chi phí rẻ, không có yếu tố nào về chất lượng điều hành. 
Vậy trong tương lai gần, khi chi phí lương tăng lên, đất đai hết dần, môi trường bị siết lại… liệu Việt Nam có còn là điểm đến hấp dẫn?
Thực tế, mức tăng trưởng quý III-2017 đạt 7,46% cũng đang khiến nhiều người băn khoăn khi khu vực FDI đã đóng góp 110,8 tỷ USD, chiếm đến 72% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, với 2 DN ngoại là Samsung và Formosa. Ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, cũng đặt câu hỏi: "Giờ đây tăng trưởng kinh tế được như vậy là rất mừng. Nhưng cần phân tích sự hồi phục và tăng trưởng đó nằm ở đâu. Có vẻ ta đang dựa vào tăng trưởng của Samsung, thậm chí là Formosa”.
Vấn đề đặt ra là khu vực FDI có năng suất cao, trong khi đối với Việt Nam năng suất lao động rất thấp. Tới đây, tăng trưởng kinh tế dựa rất nhiều vào năng suất lao động, liệu năng suất lao động của khu vực FDI có lan tỏa vào khu vực trong nước, và DN FDI đem lại gì ngoài đóng góp ngân sách, tăng trưởng, tức sau khi họ đi sẽ để lại cái gì?
Theo Báo cáo đánh giá của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), chỉ 21% DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ sản phẩm được mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 27% tổng giá trị đầu vào của DN FDI.
Theo đó, mới khoảng 36% DN Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất để xuất khẩu của khối FDI, rất thấp so với tỷ lệ 60% ở Malaysia hay Thái Lan. Điều này chứng tỏ DN Việt Nam đang được hưởng lợi rất ít từ dòng vốn FDI mang lại. 
Một nghịch lý nữa là nhiều DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thường chỉ tập trung những sản phẩm giản đơn, mang tính gia công thấp, như là một hình thức đối phó các quy định yêu cầu khi cam kết đầu tư vào Việt Nam. Trong khi phần lớn DN trong nước ít vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng lao động chưa cao, kinh nghiệm quản lý, quản trị ở mức độ hạn chế... nên thường phải đứng ở bên lề cuộc chơi trong việc cung ứng sản phẩm cho các dự án lớn.
Song nguyên nhân chủ yếu khiến dòng vốn FDI chưa thúc đẩy khu vực DN trong nước phát triển, là do thiếu mối liên kết chặt chẽ giữa 2 khu vực. Vì thế, để tăng cường mối liên kết này, Chính phủ, DN FDI và DN phải có trách nhiệm phối hợp. Trong đó Chính phủ đóng vai trò yểm trợ các hoạt động liên kết thông qua việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật; đưa ra cơ chế ưu đãi đối với các DN FDI có chiến lược mở rộng quan hệ mua bán phụ tùng và sản phẩm hỗ trợ từ DN trong nước; mở kênh trung gian giúp hàng hóa của DN 2 khu vực đến với nhau; tập trung hỗ trợ DN trong nước về vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng... để đủ điều kiện vươn lên, bắt kịp những đòi hỏi khắt khe của DN FDI. 
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, vốn FDI vẫn cần nhưng quan trọng hơn là công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế một cách bền vững, năng lực sản suất cao hơn, để đằng sau những con số kỷ lục trong thu hút vốn FDI là niềm vui trọn vẹn.

Các tin khác