Cơn bão càn quét niềm tin

(ĐTTCO)-Thực tế, không phải đến khi phát hiện việc nâng điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La… mới có chuyện gian lận trong thi cử.
Cơn bão càn quét niềm tin
Vấn nạn này đã từ lâu ăn sâu, bám rễ trong ngành giáo dục, kể cả những kỳ thi chọn học sinh giỏi cũng đã có những điều tiếng về sự thiếu minh bạch, không công bằng, khiến học sinh, phụ huynh bức xúc. Những vụ tiêu cực này khiến niềm tin của xã hội bị lung lay, chao đảo. Chưa bao giờ cả xã hội lại sôi sục, nghi ngờ về những kết quả thi cử như bây giờ.
Dù chỉ một người hay có cả ê kíp can thiệp vào kết quả thi, sự gian lận này đang và sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài. Ngay cả khi việc này được giải quyết một cách thấu đáo nhất, ngành giáo dục đào tạo (GD-ĐT) cũng khó lòng lấy lại được niềm tin của người dân vào kỳ thi THPT quốc gia vốn đã có ít nhiều nghi vấn.
Vụ gian lận điểm thi còn có thể ảnh hưởng mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực tới cái nhìn của học sinh về sự công bằng trong thi cử, khiến các em hoang mang, hồ nghi về những đánh giá trong trường học. Trong khi hàng trăm ngàn thí sinh miệt mài ôn luyện, chật vật kiếm từng điểm một cho bài thi, lại có những thí sinh được nâng điểm một cách khó tin để nghiễm nhiên có “tấm vé” vào trường đại học.
Thực tế, từ nhiều năm nay cách thức tổ chức thi cử của chúng ta đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, khi năm nào cũng có những sai phạm trong thi cử. Nghịch lý là những lỗ hổng đó có vẻ càng vá càng thủng to. Khi việc gian lận điểm thi bùng nổ ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại mô hình thi “2 trong 1” hiện nay.
Song cũng cần hiểu rằng, mô hình này phân quyền về cho 63 hội đồng thi là một cách giải tỏa áp lực “lều chõng đi thi” nhọc nhằn, vất vả đối với con em chúng ta. Vấn đề là ở khâu giám sát chấm thi vẫn còn kẽ hở để cho những đối tượng gian lận có cơ hội thực hiện hành vi.
Nhiều năm qua, ngành giáo dục có vô vàn đề án đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục... Nhưng để đạt được các mục tiêu trong các đổi mới, trước tiên phải làm trong sạch chính đội ngũ các thầy cô, những người làm công tác giáo dục.
Bởi dù có đổi mới, có thêm bớt kỳ thi hay thay đổi cách thức thi, những người thực thi không công tâm, minh bạch, luôn nghĩ cách trí trá, làm lợi cho bản thân, cho những nhóm lợi ích sẽ không có đề án nào thành công. Từ những sai phạm trong thi cử trên, có thể thấy không có phương thức thi nào hoàn thiện cả, mỗi phương thức thi đều có ưu điểm và hạn chế.
Vấn đề là dù thi theo phương thức nào chúng ta cũng phải có giải pháp để hạn chế đến mức cao nhất những bất cập và gian lận trong kỳ thi.
Thực tế trên đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải nghiêm túc rút kinh nghiệm từ việc xử lý những bất thường về điểm thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Theo đó, cần chỉ đạo rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại các địa phương theo tinh thần nghiêm túc, trung thực, giữ nghiêm kỷ cương thi cử, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có sai phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo khách quan, công bằng; đồng thời công khai minh bạch kết quả xử lý và phổ biến, quán triệt rộng rãi trong toàn ngành để rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần gấp rút có những thay đổi, sửa chữa, bổ sung phù hợp để hoàn thiện hơn quy chế thi THPT quốc gia những năm tiếp theo. Có như vậy, ngành giáo dục nước nhà mới sớm lấy lại được niềm tin từ xã hội, xã hội mới tiếp tục hy vọng sẽ có lớp lớp những người trẻ được đào tạo bài bản, có chuyên môn, trình độ, văn hóa và trách nhiệm cao đối với quốc gia, dân tộc.

Các tin khác