“Cởi trói” tư duy quản lý

Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 dù được đánh giá là đã tạo ra bước đột phá về tư duy, từ tư duy chỉ được kinh doanh trong phạm vi pháp luật cho phép sang tư duy người dân được quyền tự do kinh doanh tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Một trong những quy định quan trọng của Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp (DN) được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trên thực tế từ trước tới nay nguyên tắc này chưa thực sự được áp dụng.

Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 dù được đánh giá là đã tạo ra bước đột phá về tư duy, từ tư duy chỉ được kinh doanh trong phạm vi pháp luật cho phép sang tư duy người dân được quyền tự do kinh doanh tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Song trên thực tế khái niệm “pháp luật” là rất rộng, bao gồm cả những văn bản dưới nghị định, đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh phải chịu rất nhiều ràng buộc, nhiều “giấy phép con”, nhiều “vòng kim cô”. Mặt khác, các luật này cũng quy định DN phải hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã đăng ký. Chính điều đó khiến cho nguyên tắc “được làm những gì pháp luật không cấm” bị bó buộc, không phát huy được hiệu quả.

Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh đem lại nhiều rủi ro cho DN. Rủi ro thứ nhất là DN kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không có trong giấy đăng ký kinh doanh là vi phạm và sẽ bị xử lý hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Rủi ro tiếp thuộc về phía đối tác, nếu hợp đồng hợp tác được ký mà DN không đăng ký kinh doanh rất dễ bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp. Trong thực tế, nhiều ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục của cơ quan quản lý nhà nước dẫn tới việc DN phải xin ý kiến bộ, ngành liên quan mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để có thể đăng ký. Thậm chí có DN phải đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với thực tế hoạt động.

Chính vì thế, việc dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần này bãi bỏ quy định bắt buộc DN đăng ký ngành nghề kinh doanh được đánh giá là một bước tiến lớn, “cởi trói” về tư duy quản lý DN. Với quy định mới, quyền cấm kinh doanh và đặt ra điều kiện kinh doanh chỉ thuộc về 3 chủ thể, gồm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. DN có quyền không tuân thủ các quy định trái với 3 loại văn bản nói trên. Thay vì chỉ được hoạt động theo đúng ngành nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, DN được chủ động mở rộng ngành nghề và chỉ phải thông báo thay đổi tới cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trong phiên họp về xây dựng pháp luật của Chính phủ tuần qua, lãnh đạo Chính phủ đã bày tỏ sự nhất trí cao với đề xuất này của ban soạn thảo. Bởi nếu xét về tư duy và quan điểm, có thể nhận ra những quy định sửa đổi lần này của Luật DN có sự tương đồng với tinh thần trong Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thông điệp đã khẳng định người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Điều này cũng cụ thể hóa quan điểm Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và DN phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đúng tinh thần này, trong dự thảo Luật DN (sửa đổi), cơ quan quản lý đã chấp nhận phần khó khăn về phía mình và trao phần thuận lợi, dễ dàng hơn cho người dân và DN.

Tất nhiên, việc bỏ quy định đăng ký ngành nghề kinh doanh của DN là điều không dễ dàng. Có nhiều ý kiến lo ngại sự thông thoáng trong đăng ký kinh doanh sẽ tạo thuận lợi cho một số đối tượng lợi dụng, thành lập DN nhằm mục đích lừa đảo, trốn thuế, mua bán khống hóa đơn...; phía cơ quan đăng ký kinh doanh ngần ngại Nhà nước sẽ mất định hướng quản lý vì không biết có bao nhiêu DN kinh doanh gì và vốn bao nhiêu.

Tuy nhiên, những lo lắng này sẽ được hóa giải nếu thực hiện tốt và nhất quán nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi cho ý kiến vào dự án Luật DN (sửa đổi) cũng khẳng định chủ trương như vậy là đúng đắn, nhưng khi mở ra cũng phải thận trọng trong khâu hậu kiểm, giám sát. Đây cũng là quan điểm của một số chuyên gia kinh tế khi cho rằng gốc rễ khắc phục các điểm yếu trong thi hành Luật DN hiện nay là phải tăng cường và đổi mới công tác hậu kiểm của cơ quan nhà nước.

Theo thông tin từ ban soạn thảo, việc sửa đổi Luật DN lần này sẽ khuyến nghị chuyển hoàn toàn từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường công tác hậu kiểm dựa vào lực lượng liên ngành gồm 7 cơ quan đầu mối phối hợp với nhau; trong đó sự kiểm tra, giám sát nội bộ là quan trọng nhất và sẽ xác lập cơ chế công luận xã hội để giảm thiểu vai trò của Nhà nước.

Các tin khác