Cổ phần hóa DNNN: Không chấp nhận đùn đẩy mãi

(ĐTTCO) - Theo Quyết định 58 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, theo đó sẽ có 137 DN tiến hành cổ phần hóa (CPH).
Cổ phần hóa DNNN: Không chấp nhận đùn đẩy mãi
 Năm 2017, theo lộ trình 45 DN phải hoàn thành CPH, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ có 6 DN CPH. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có 14 DN công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 3 DN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổng giá trị vốn chủ sở hữu gần 90.000 tỷ đồng, 1 DN thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng.
Cùng với đó đang tiến hành xác định giá trị DN của 20 DN. Tính chung, dự kiến số DN có thể hoàn thành CPH năm nay chỉ đạt con số 40.

Về thoái vốn, đến hết quý II phần vốn nhà nước không cần nắm giữ đã được bán tại 22 DN với tổng giá trị theo sổ sách 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó 6 DN thoái vốn dưới mệnh giá. Về thoái vốn nhà nước tại 12 DN quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 11 DN đã niêm yết.
Sabeco đang lựa chọn đơn vị nhà thầu tư vấn thoái vốn nhà nước. Habeco đang xử lý vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries A/S. Đối với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án bán tiếp phần vốn nhà nước tại công ty này và đang chờ ý kiến Thường trực Chính phủ. 

Tiến độ CPH, thoái vốn chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc chấp hành chưa nghiêm của DN, lãnh đạo DN. Bên cạnh đó, các DN tiến hành CPH hiện nay là các tập đoàn, tổng công ty có khối lượng tài sản lớn, nên rất khó khăn trong việc xác định, xử lý những tồn tại về tài chính, tài sản, giá trị DN, dẫn đến việc chuẩn bị trước khi CPH chưa tốt hoặc chưa đầy đủ, tiến độ kéo dài do phải dừng lại để xử lý những vướng mắc liên quan. Thực tế này đòi hỏi phải sửa đổi một số quy định của Nghị định 59 về CPH DNNN, Nghị định 91 về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN.
Ngoài ra, việc xác định danh mục thoái vốn của DN CPH chưa được phân kỳ theo từng năm, chưa biết tổng số vốn DNNN đang nắm giữ tuyệt đối bao nhiêu. Tiến độ xây dựng thể chế, từ ban hành điều lệ các tập đoàn, tổng công ty, cho đến sửa Nghị định 59, Nghị định 91 cũng rất chậm. Nhiều bất cập trong CPH, thoái vốn đã được các bộ, ngành phát hiện sớm nhưng vẫn chưa được sửa. Sự chậm trễ còn đến từ việc DN cố tình trì hoãn để xin ưu đãi này, ưu đãi kia.

Cần biết rằng nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất trông đợi việc CPH và thoái vốn tại các DN lớn như Vinamilk, Habeco, Sabeco… Vì vậy, tiến độ CPH, thoái vốn chậm sẽ khiến lòng tin nhà đầu tư giảm xuống. Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn kỷ cương, kỷ luật phải được tăng cường hơn và gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu, không chỉ ở DN mà cả các cơ quan quản lý nhà nước, như vậy mới bảo đảm yêu cầu CPH, thoái vốn.

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng về công tác CPH, thoái vốn mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho rằng nguyên nhân chậm trễ CPH, thoái vốn thời gian qua do việc chỉ đạo, điều hành của một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa quyết liệt. Còn có tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến Chính phủ. Có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời. 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn theo đúng kế hoạch của năm 2017, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp, CPH và thoái vốn DN. 

Các tin khác