Có nên cứu dự án ngàn tỷ thua lỗ?

(ĐTTCO) - Bộ Công Thương vừa hoàn thiện các phương án xử lý đối với 12 dự án yếu kém để trình Thường trực Chính phủ thảo luận trong tuần này và sớm gửi Bộ Chính trị cho ý kiến.

(ĐTTCO) - Bộ Công Thương vừa hoàn thiện các phương án xử lý đối với 12 dự án yếu kém để trình Thường trực Chính phủ thảo luận trong tuần này và sớm gửi Bộ Chính trị cho ý kiến.

Thực tế, từ cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kịp thời 12 dự án đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng bị thua lỗ tại bộ này, đồng thời giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng hỗ trợ xử lý, với yêu cầu làm sao để phát triển được ngành Công Thương, vì đây là ngành có những lĩnh vực rất quan trọng. Tuy nhiên, người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cũng khẳng định với các dự án thua lỗ, kéo dài, Nhà nước kiên quyết không tiếp tục đổ vốn vào cứu mà sẽ bán hoặc cho phá sản.

Và trong việc tháo gỡ khó khăn và xử lý những yếu kém của 12 doanh nghiệp có dự án thua lỗ này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ bằng các giải pháp thị trường, không bỏ thêm tiền ngân sách để cứu.

Theo nhiều chuyên gia, những dự án, kể cả các dự án ngàn tỷ đồng, xét thấy không thể bảo đảm hiệu quả phải rứt ruột cắt đi, tìm cách xử lý thu hồi vốn, dù có thể thất thoát một phần vốn quan trọng, nhưng còn hơn tiếp tục vì có thể còn mất nhiều hơn. Tinh thần chung là không ưu đãi thêm, các dự án phải tìm mọi cách xử lý, rà soát lại nguyên nhân vì sao, khắc phục được không và bằng cách nào. Chẳng hạn, có thể huy động thêm vốn, không thể bám vào vốn ngân sách nhà nước, đầu tư công.

Thí dụ, hàng loạt dự án ngàn tỷ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty thép Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thuộc Bộ Công Thương, như dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy đạm Ninh Bình, 3 nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol, nhà máy Xơ sợi Đình Vũ… đều trong tình trạng đắp chiếu chờ nhà thầu Trung Quốc hoặc càng làm càng thua lỗ.

Điểm chung từ các dự án ngàn tỷ này là hầu hết chủ đầu tư đều từng đề xuất nhiều cơ chế để dự án tiếp tục được rót vốn, hoặc cơ chế giá đầu vào rẻ, đầu ra được đảm bảo, đề xuất hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch cùng sản phẩm…

Có ý kiến mạnh hơn, cho rằng nên để cho các dự án này phá sản, dứt khoát Nhà nước không nên cứu. Bởi lẽ không thể để cho các doanh nghiệp nhà nước cứ yên tâm là sẽ được Nhà nước cứu mãi. Hơn nữa nếu cứu số tiền đưa ra cứu sẽ là cái giá mà xã hội phải trả.

Các dự án thua lỗ lớn đã gây mất mát rất lớn cho xã hội, những người đóng góp thuế phải chịu oan, để cho các doanh nghiệp thực thi dự án. Vì vậy không thể bắt xã hội hay các doanh nghiệp khác phải trả giá tiếp để cứu họ.

Một vấn đề nữa cần đặt ra là phải xử lý những người gây ra hậu quả, không thể quy trách nhiệm một cách chung chung, rồi lại phê bình, cảnh cáo, rút kinh nghiệm... Theo đó, phải có chế tài quy trách nhiệm nghiêm ngặt với cá nhân khiến dự án thua lỗ, những người đưa ra chủ trương, bảo vệ cho các dự án thực thi cũng phải chịu trách nhiệm, không chỉ những người vận hành. Mỗi dự án thua lỗ đều có nguyên nhân, tình trạng khác nhau, có dự án bắt đầu vận hành mới thua lỗ, có dự án chưa đi vào hoạt động như Gang thép Thái Nguyên đã thua lỗ.

Theo đó cần phải có biện pháp xử lý một cách dứt điểm, không để lại tiền đề xấu, trong đó việc đề ra phương án xử lý trách nhiệm tổ chức và cá nhân tại các dự án thua lỗ phải được làm rõ. Bởi lẽ, theo quy định tất cả quyết định đều phải đưa lên trình duyệt tại cấp trên, ai là người phê duyệt sẽ phải chịu trách nhiệm.

Được biết, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định để triển khai luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện tách bạch vấn đề đại diện chủ sở hữu ra khỏi các cơ quan quản lý Nhà nước. Kỳ vọng đến khi đó việc quản lý cũng như truy trách nhiệm về việc để các dự án ngàn tỷ đồng thua lỗ được rõ ràng hơn, và việc quyết định cứu hay không cứu các dự án này cũng sẽ dễ dàng hơn.

Các tin khác