“Chuyện nhỏ” trở nên quá lớn

(ĐTTCO) - Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị siết chặt xuất xứ hàng hóa sau vụ Khaisilk thay mác hàng hóa Trung Quốc thành hàng hóa Việt Nam. 
“Chuyện nhỏ” trở nên quá lớn

Theo đó, tổ chức-cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa, kể cả nhãn phụ, phải đảm bảo trung thực, rõ ràng, chính xác đúng bản chất hàng hóa. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung, không làm sai nội dung trên nhãn gốc và phản ánh đúng nguồn gốc hàng hóa. Hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài thì nhãn hiệu và tên gọi xuất xứ hàng hóa bắt buộc phải thể hiện trong hợp đồng gia công…

Có việc này là do tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, chỉ đạo các bộ ngành phải đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; đấu tranh ngăn chặn tình trạng hàng hóa sản xuất ngoài nước lấy nhãn mác trong nước để tiêu thụ, đánh lừa người tiêu dùng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất trong nước.

Về sai phạm của Tập đoàn Khaisilk, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của tập đoàn này trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 15-12 tới. “Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin-Truyền thông và các cơ quan thông tấn, báo chí; các hiệp hội ngành, nghề đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, về những nguy hại của hành vi gian lận xuất xứ, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhất là sản phẩm các làng nghề truyền thống; kịp thời lên án, tố giác các hành vi vi phạm; bảo vệ uy tín quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.
Tập đoàn Khaisilk lộ ra việc kinh doanh sai phạm nhãn mác xuất phát từ “chuyện nhỏ”. Trên trang Facebook, một cá nhân đã phản ánh việc mua nhầm hàng chính hiệu: Công ty gia đình anh đặt mua 60 chiếc khăn lụa Khaisilk với giá 644.000 đồng/chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội). Tuy nhiên sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng trên có một chiếc khăn vừa có mác “Khaisilk - Made in Vietnam” vừa có mác “Made in China”. Công ty cho kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số này có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn rất rõ!
Sự việc vỡ lở, ông chủ Khaisilk sau đó thừa nhận đã bán mặt hàng lụa Trung Quốc 30 năm nay trong hệ thống của mình. Kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai, Hà Nội của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết tại thời điểm kiểm tra có 60 chiếc khăn lụa Trung Quốc được thay bằng nhãn Khaisilk - Made in Vietnam, bán mỗi chiếc giá 644.000 đồng.
Sau đó toàn bộ các cửa hàng bán lẻ của thương hiệu Khaisilk trên toàn quốc đã đóng cửa, thông báo ngừng hoạt động “để kiểm tra, điều chỉnh hàng hóa”. Sự việc không dừng lại ở đó. Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm nếu có vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Từ chuyện nhỏ đã trở thành vụ việc ngày càng lớn hơn. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng tơ tằm và vải tơ tằm có xuất xứ từ Trung Quốc về Việt Nam trong 9 tháng năm 2017 là 1,2 triệu USD; trong đó có 4.460 chiếc khăn tơ tằm (mã HS 621410) với tổng giá trị 5.878USD, tương đương 1,3USD (xấp xỉ 30.000 đồng/chiếc). Với sản phẩm vải tơ tằm, giá nhập khẩu mỗi mét có nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam cũng chỉ khoảng 3,5USD/m. Tổng cục Hải Quan cũng cho biết ngoài các số liệu về lượng lụa nhập từ Trung Quốc được công bố, số lượng các đơn vị, doanh nghiệp nhập riêng rẽ dùng vào việc gì, cung ứng cho ai còn chưa được công bố, bởi doanh nghiệp cho rằng đây là bí mật kinh doanh của họ. Vậy trong số lượng nhập khẩu này, có bao nhiêu được gắn với nhãn mác Khaisilk - Made in Vietnam và bán với giá trên trời?
Bà Nguyễn Thị Thu Nga, chủ hộ kinh doanh Khaisilk 113 Hàng Gai, giải thích: Do sơ suất trong quản lý trước nhu cầu mua hàng tăng đột biến dịp 20-10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ mác gốc Trung Quốc và gắn mác Khaisilk để bán ra. Vì sao không gắn nhãn hiệu khác mà gắn hiệu Khaisilk - một tên tuổi kinh doanh có tiếng tăm trên thị trường? Đây là hành vi nhất thời hoặc cố ý kinh doanh sai phạm? Số liệu của Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai trong 9 tháng năm 2017 đạt doanh thu 14 tỷ đồng, nộp thuế 211 triệu đồng. Hộ này kinh doanh từ tháng 1-2004 với ngành nghề là bán vải lụa, quần áo, túi xách với thương hiệu Khaisilk, từng được quảng bá là hàng Việt Nam chất lượng cao. Nếu đúng là việc kinh doanh đánh lừa khách hàng, một chiếc khăn Trung Quốc nhập về 30.000 đồng, bán ra 644.000 đồng/chiếc, việc cửa hàng này đóng số thuế nêu trên có thỏa đáng?
Điều đáng nói là, như thừa nhận của ông chủ Khaisilk đã bán các mặt hàng lụa Trung Quốc từ 30 năm nay nhưng việc ăn gian nhãn mác, đánh lừa người tiêu dùng không phải do cơ quan chức năng phát hiện, mà do khách hàng tố cáo trên Facebook. Vậy cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm chưa, có liên đới hoặc “chống lưng” hành vi gian lận này không? Sự việc này càng làm đánh mất niềm tin người tiêu dùng về mặt hàng nội, cũng lộ ra kẽ hở quá lớn là các doanh nghiệp lập lờ nhãn mác hàng hóa bán cho người tiêu dùng thu lợi khổng lồ.
Giá thành hàng hóa Trung Quốc luôn rẻ hơn sản xuất trong nước đã khiến một số doanh nghiệp thà bán rẻ danh dự, thương hiệu và chấp nhận kinh doanh bằng mọi phương cách nhằm thu lợi nhuận cao, góp phần làm thui chột tinh thần làm ăn tử tế của giới doanh nhân. Nhiều năm qua, người dân chấp nhận ủng hộ hàng Việt, thậm chí sẵn sàng trả giá cao hoặc mua ngang bằng với sản phẩm nhập khẩu để tiêu dùng. Vụ việc Khaisilk đã làm đánh mất niềm tin người dân, có thể gây ra hậu quả tai hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Dư luận đòi hỏi hành vi “giả mạo xuất xứ, gian lận thương mại” này cần được xử lý nghiêm minh, thỏa đáng và thuyết phục.

Các tin khác