Chưa yên lòng với tham nhũng, lãng phí

Tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm 3-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ việc phòng chống tham nhũng, lãng phí là câu chuyện lần nào tiếp xúc cũng được cử tri nêu. “Cử tri nhấn mạnh phải coi trọng cả chống lãng phí, điều này rất đúng. Nhiều khi chúng ta vẫn nói lãng phí có khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng. Lãng phí về tiền bạc còn có thể đo đếm được, còn lãng phí về nguồn nhân lực, tài nguyên, khoáng sản vô cùng lớn” - Tổng Bí thư nói. Mặc dù Quốc hội đã sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào cuối năm 2013, nhưng dường như đến nay tình hình vẫn chưa mấy chuyển biến và chưa thực sự có giải pháp căn cơ loại trừ tệ nạn này.

Trước thềm kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (dự kiến khai mạc cuối tháng này), thông tin từ các buổi tiếp xúc cử tri cho thấy người dân vẫn rất bức xúc, chưa thể yên lòng với các quốc nạn tham nhũng, lãng phí.

Tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm 3-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ việc phòng chống tham nhũng, lãng phí là câu chuyện lần nào tiếp xúc cũng được cử tri nêu. “Cử tri nhấn mạnh phải coi trọng cả chống lãng phí, điều này rất đúng. Nhiều khi chúng ta vẫn nói lãng phí có khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng. Lãng phí về tiền bạc còn có thể đo đếm được, còn lãng phí về nguồn nhân lực, tài nguyên, khoáng sản vô cùng lớn” - Tổng Bí thư nói. Mặc dù Quốc hội đã sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào cuối năm 2013, nhưng dường như đến nay tình hình vẫn chưa mấy chuyển biến và chưa thực sự có giải pháp căn cơ loại trừ tệ nạn này.

Những câu chuyện thời sự như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng vốn tới 339 triệu USD; đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng có vốn tới 34.000 tỷ đồng (nay đã bị yêu cầu rút lại); Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cố bảo vệ đề án đăng cai ASIAD trong khi ngân sách nước nhà khó khăn... khiến cử tri và Nhân dân không thể không lên tiếng, nhất là trong bối cảnh nước ta còn nghèo do đời sống người dân chưa được cải thiện.

Có cử tri thẳng thắn nói rằng đang có hiện tượng một số bộ, ngành “hăng hái” với những dự án ngàn tỷ đồng. Rõ ràng, cơ chế kiểm soát lãng phí chưa tốt, chế tài xử lý người gây ra lãng phí chưa đủ mạnh nên cơ quan chức trách mới đưa ra các dự án “khủng”, tìm cách tiêu tiền không xót của dân.

Trong khi đó, dù đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, nhưng thực tế đến nay đây vẫn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra tại Hà Nội, báo cáo từ một số ban, ngành trung ương cho thấy cơ chế kiểm soát tham nhũng vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, yêu cầu một mặt phải xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, mặt khác phải tích cực khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là đòi hỏi của luật pháp và của xã hội, là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Kiệm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong, tài sản thiệt hại do tham nhũng gây ra rất lớn nhưng số phát hiện, xác định được chưa phản ánh đúng thực tế tài sản bị thiệt hại. Kết quả thu hồi trên số phát hiện đạt tỷ lệ rất thấp: từ ngày 1-10-2010 đến ngày 30-4-2013 chỉ đạt khoảng 28% và riêng năm 2013 đạt dưới 10%.

Không chỉ vậy, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ - vốn được kỳ vọng là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu, nhưng thực tế hiệu quả lại chưa cao. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết tỷ lệ công khai bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 chỉ đạt 18,7% và năm 2013 đạt 59,5%.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xẩy ra tham nhũng đã có tác dụng đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định. Nhưng thực tế cho thấy số người đứng đầu bị xử lý còn rất ít so với các vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là có sự nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống mâu thuẫn lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích bản thân và đơn vị.

Những bất cập này cho thấy thời gian tới cần tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng về phòng chống tham nhũng; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tham nhũng ngày một hiệu quả, mạnh mẽ hơn. Kết luận tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Phải kiên quyết xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng".

Từ nhiều năm nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn đề cao quyết tâm đẩy lùi các quốc nạn tham nhũng, lãng phí, coi đây là vấn đề vô cùng quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, sự tồn vong của chế độ. Hy vọng với kinh nghiệm của thời gian qua, với ý chí quyết tâm mới, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn nữa, đáp ứng yêu cầu và niềm mong đợi của Nhân dân.

Các tin khác