Chưa tạo động lực kinh tế tư nhân

(ĐTTCO) - Công cuộc cải cách đang đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy một lần nữa, trên tinh thần kiến tạo, giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất.
Chưa tạo động lực kinh tế tư nhân
Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) cũng là nội dung chính được Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đang diễn ra cho ý kiến.

Thực tế trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để KTTN phát triển. Bởi vị trí của KTTN trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn, đánh giá đúng hơn. 

KTTN ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội.
Tỷ trọng trong GDP của khu vực KTTN, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39-40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn KTTN có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, KTTN vẫn chưa thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Không chỉ yếu kém về nội lực, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh, sản suất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại của KTTN diễn ra ngày càng phổ biến. Trong nhiều năm qua, KTTN đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém: Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm trong những năm gần đây; xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại còn thấp, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp.

Tại Diễn đàn KTTN tổ chức cuối tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng để tạo bệ phóng cho KTTN, giải pháp lớn là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho KTTN phát triển, như hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và đảm bảo hoạt động của KTTN theo cơ chế thị trường; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, khả năng tiếp cận các nguồn lực nhất là về đất đai, vốn, thị trường, về phát triển cơ sở hạ tầng... cho khu vực KTTN. Bên cạnh đó là các giải pháp hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tích cực hội nhập quốc tế.

Do vậy điều cần làm hiện nay là xóa bỏ những định kiến về thành phần kinh tế nói chung, KTTN nói riêng. Theo đó, cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm sự tự do hóa ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực KTTN tham gia.
Đặt khu vực kinh tế nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực KTTN, chuyển từ mục đích "quản chặt" sang "hỗ trợ” doanh nghiệp bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn...
Đặc biệt, cần nhân rộng các cách làm mới, đột phá hơn trong quản lý nhà nước đối với KTTN; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính hướng tới sự đơn giản, thuận tiện; nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội trong hỗ trợ KTTN

Việc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII bàn giải pháp thúc đẩy KTTN, càng cho thấy việc hỗ trợ KTTN phát triển lành mạnh, hiệu quả đang từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của khu vực KTTN trong đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới.

Các tin khác