Chủ động tránh né chiêu trò lừa bịp

(ĐTTCO) -   Theo thông tin từ Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), thời gian gần đây Trung Quốc không chỉ gia tăng nhập khẩu tôm và lúa gạo, mà còn đẩy mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Cụ thể, nếu thời điểm trước năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu cá tra Việt Nam chiếm khoảng 3-5%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, đến năm 2015 đã tăng lên 10%. Trong năm 2016, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã chiếm đến 18%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và đã vượt qua EU để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

(ĐTTCO) -   Theo thông tin từ Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), thời gian gần đây Trung Quốc không chỉ gia tăng nhập khẩu tôm và lúa gạo, mà còn đẩy mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Cụ thể, nếu thời điểm trước năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu cá tra Việt Nam chiếm khoảng 3-5%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, đến năm 2015 đã tăng lên 10%. Trong năm 2016, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã chiếm đến 18%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và đã vượt qua EU để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

 

Với đà tăng trưởng này, VN Pangasius dự đoán năm nay Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ, trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo đi đôi với sức hút đó, thị trường Trung Quốc đang tạo ra không ít mối lo ngại đối với sản phẩm nông nghiệp trong nước, nhất là chuyện thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh tiêu thụ rồi đột ngột ngưng mua.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã từng khuyến cáo các hộ nuôi và doanh nghiệp (DN) nên thận trọng khi đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Bởi đã xảy ra tình trạng thương lái, DN nước này đặt hàng và thu mua cá tra cỡ lớn (loại trên 1kg/con), sau đó đột ngột giảm mua khiến giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh.

Trái cây và rau của Việt Nam cũng đã cay đắng từ việc thương lái Trung Quốc cũng với cách thức thu mua ào ạt, đẩy giá lên cao rồi bỗng dưng dừng mua đột ngột. Tháng 6-2016, sầu riêng của các tỉnh miền Tây như Tiền Giang được mùa nhưng giá bán lại giảm mạnh do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Hay như trái thanh long đã bao lần khốn đốn vì thương lái Trung Quốc.

Rồi những bài học nhãn tiền về việc nông dân Gia Lai và Kon Tum ồ ạt chặt bỏ những vườn cà phê và cao su đang thu hoạch để trồng chanh dây bán cho thương lái Trung Quốc. Hay câu chuyện sau thời gian săn lùng tìm mua heo siêu mỡ ở các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… nhóm thương lái Trung Quốc đã đột ngột dừng thu mua loại lợn này, khiến các hộ nuôi tái đàn lao đao.

Những bài học trên không mới, nhưng tại sao chúng ta vẫn tiếp tục sai lầm? Phải nói rằng một trong những lý do khiến Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhiều mặt hàng từ Việt Nam, vì thị trường này khá dễ tính. Thí dụ, trái thanh long, nếu xuất đi Hoa Kỳ phải chiếu xạ hay sang Nhật Bản, Hàn Quốc phải xử lý hơi nước nóng, sẽ làm chi phí tăng cao, chưa kể những yêu cầu khắt khe trong quá trình trồng của người nông dân, nhưng sang Trung Quốc không phải mất nhiều thời gian, tiền bạc như vậy.

Thậm chí nhiều DN xuất khẩu đã thừa nhận thị trường Trung Quốc ai cũng thấy rủi ro nhưng vẫn phải xuất khẩu, vì chưa đủ năng lực xuất qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, nói thị trường Trung Quốc dễ tính cũng chưa chính xác, bởi ngoài tính rủi ro cao, DN Việt khi xuất khẩu sản phẩm qua thị trường này cũng gặp không ít khó khăn. Thí dụ, hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc- ASEAN (CAFTA).

Nhưng Trung Quốc hiện áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 13-17%, điều này vô hình trung làm giảm mức độ cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Không chỉ thế, sản phẩm nông sản, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc còn phải chịu cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan và Malaysia.

Đặc biệt Trung Quốc đang thực hiện hệ thống chính sách thương mại 2 tầng (thể chế chính sách Trung ương và chính sách thương mại địa phương). Theo đó, bất kỳ địa phương nào của Trung Quốc khi muốn dừng hoặc hạn chế nhập khẩu, họ sẽ đưa ra các biện pháp kỹ thuật và thủ tục hành chính để gây khó khăn cho DN xuất khẩu (như mặt hàng dưa hấu, gạo của Việt Nam đã từng bị áp dụng).

Có thể nói, với dân số gần 1,4 tỷ người, đa phân khúc thị trường, Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục là thị trường vô cùng lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng. Thế nhưng thời gian qua, phần lớn sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều qua con đường tiểu ngạch, tức phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường chợ đen, nên khi gặp sự cố, chúng ta không đủ cơ sở pháp lý để đòi lại công bằng.

Vì thế, vấn đề đặt ra là DN khi giao dịch, kinh doanh tại Trung Quốc, cần xác minh thực lực và uy tín của DN Trung Quốc. Mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao. Ngoài ra, DN nên tìm hiểu kỹ về các quy định nhập khẩu của chính phủ Trung Quốc, nhất là với các sản phẩm như thực phẩm, nông sản, thủy sản vì đây là những mặt hàng chịu kiểm soát ngặt nghèo về kiểm dịch, để tránh các chiêu trò lừa bịp của các thương lái.

Các tin khác