Chủ động cạnh tranh

(ĐTTCO) - Chỉ 2 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, từ ngày 1-1-2009, Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ (TTBL). Và bắt đầu từ đây, một làn sóng nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) ồ ạt nhảy vào nước ta, tạo nên sức ép cạnh tranh lớn, nhất là khi doanh nghiệp (DN) nước ngoài có lợi thế hơn so với DN Việt về vốn, mặt bằng; công ty mẹ là những đại gia bán lẻ toàn cầu, trường vốn và có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ uy tín, thương hiệu. DN bán lẻ ngoại còn có mức độ chuyên nghiệp, có sự tin cậy từ nhà cung ứng hàng hóa và có phương thức thanh toán linh hoạt.

(ĐTTCO) - Chỉ 2 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, từ ngày 1-1-2009, Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ (TTBL). Và bắt đầu từ đây, một làn sóng nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) ồ ạt nhảy vào nước ta, tạo nên sức ép cạnh tranh lớn, nhất là khi doanh nghiệp (DN) nước ngoài có lợi thế hơn so với DN Việt về vốn, mặt bằng; công ty mẹ là những đại gia bán lẻ toàn cầu, trường vốn và có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ uy tín, thương hiệu. DN bán lẻ ngoại còn có mức độ chuyên nghiệp, có sự tin cậy từ nhà cung ứng hàng hóa và có phương thức thanh toán linh hoạt.

 

Với những thế mạnh này, trong 8 năm qua, TTBL Việt Nam đã dần rơi vào tay NĐTNN. Đó là sự xuất hiện và mở rộng thị phần nhanh chóng của các nhà bán lẻ hàng đầu châu Á tại Việt Nam như Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)...

Điều này đã khiến nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ hàng nước ngoài tràn vào Việt Nam qua các kênh bán lẻ này và đẩy hàng hóa Việt ra khỏi hệ thống. Tại cuộc họp bàn về giải pháp quản lý, phát triển TTBL diễn ra mới đây, Chính phủ đã yêu cầu tìm giải pháp để hỗ trợ các nhà phân phối bán lẻ trong nước (như giãn tiến độ nộp thuế đất, bố trí quỹ đất...); đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm túc thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) ở nhiều địa phương để làm chậm lại việc mở rộng các cơ sở bán lẻ của nhà bán lẻ nước ngoài.

Tuy nhiên, trong một khảo sát các DN bán lẻ tiến hành giữa năm ngoái, có tới hơn 30% DN bán lẻ trong nước cho rằng DN bán lẻ nước ngoài có ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển của DN nội, TTBL sôi động hơn và chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản lý từ các DN ngoại. Không những thế, các DN bán lẻ trong nước còn được hưởng lợi thế từ việc một bộ phận khá lớn người tiêu dùng đã quen dần với việc mua bán tại các siêu thị.

Vì thế, việc đưa ra các giải pháp theo hướng hạn chế sự mở rộng mạng lưới bán hàng của các nhà bán lẻ nước ngoài có lẽ là do sự lo lắng thái quá về việc hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam còn nhỏ bé, việc hạn chế mở rộng mạng lưới bán hàng của các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ là lợi bất cập hại.

Để hàng hóa trong nước xuất hiện nhiều hơn ở kênh bán lẻ này, một chính sách đúng đắn là hỗ trợ DN trong nước về thông tin thị trường, kỹ năng marketing, năng lực công nghệ... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, qua đó chinh phục người tiêu dùng.

Việc thiết lập chính sách bảo hộ thương mại là cần thiết, nhưng không có nghĩa để siết đầu tư nước ngoài vào TTBL nước ta. Bởi lẽ điều này sẽ dẫn đến hệ lụy làm giảm thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ, không kích thích DN trong nước cạnh tranh và phát triển, gây phương hại đến việc làm và người tiêu dùng.

Có thể nói, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng gia tăng khi các nhà phân phối nước ngoài ồ ạt đầu tư vào thị trường nước ta để giành thị phần. Song chính sức ép này đã buộc DN bán lẻ trong nước phải xem lại mô hình kinh doanh, đồng thời chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực để sẵn sàng cạnh tranh.

Thực tế, trong bối cảnh mà phần thắng đang nghiêng về DN bán lẻ ngoại, một thương hiệu bán lẻ nội đã gây dấu ấn đáng kể là Vingroup. DN đã công bố rằng sẽ mở 500 siêu thị và 8.000 cửa hàng tiện lợi dưới thương hiệu VinMart và VinMart+ trong vòng 5 năm tới. Điều đáng mừng, sau khi thâu tóm thành công chuỗi bán lẻ Ocean Mart và Vinatex Mart, gần đây nhất Vingroup cũng đã mua lại chuỗi siêu thị Maximark tại khu vực phía Nam.

Doanh nghiệp này còn có động thái liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân để cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường và ký hợp tác đợt một với gần 250 DN Việt tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Bước đi chủ động này cho thấy một cách tiệm cận gần hơn với sản xuất, để từ đó nắm đòn bẩy tạo sự đối trọng đủ mạnh trong TTBL.

Đã quá muộn để nói chuyện giành lại thị trường bán lẻ bằng các quy định hành chính, hạn chế NĐTNN bằng cách này hay cách kia. Kinh doanh quốc tế là bài toán giữ uy tín, tạo điều kiện và công bằng trong việc điều chỉnh thị trường. Vì thế, câu chuyện lúc này không phải là siết hay nới, đóng hay mở, hạn chế hay tự do... mà phải trở về gốc rễ của vấn đề.

Đó là Nhà nước phải tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả thành phần kinh tế, tránh tình trạng ưu đãi dành hết cho DN FDI, DNNN. Quan trọng hơn là phải xuyên suốt từ trên xuống dưới, không phải các bộ, ngành quyết tâm nhưng đến cơ quan thực thi thì ngược lại. Bởi nếu cứ tồn tại tư duy “không quản nổi rào lại chuồng”, e rằng DN nội cũng không lớn mạnh được.

Các tin khác