Chống tham nhũng chưa xứng tầm

Đó là nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cơ quan thẩm tra khi Chính phủ trình Quốc hội báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2013. Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu các vụ nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước, với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản. Số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện.

Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Hành vi vi phạm pháp luật và số tài sản sai phạm liên quan phát hiện được rất lớn, nhưng việc truy tố tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít, nếu nói là không tương xứng.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cơ quan thẩm tra khi Chính phủ trình Quốc hội báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2013. Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu các vụ nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước, với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản. Số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện.

Nỗ lực chống tham nhũng từ lâu vẫn được khẳng định mạnh mẽ từ cấp cao nhất. Cơ chế kiểm soát, phòng chống tham nhũng liên tục được hoàn thiện. Trong đó đáng chú ý vào tháng 2-2013 Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu. Trung ương cũng quyết định tái lập Ban Nội chính - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định thành lập 7 đoàn công tác của Trung ương đi kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. Những thiết chế này đều mới đi vào hoạt động, cần có thời gian đánh giá, nhưng qua báo cáo mới nhất của Chính phủ, có nhiều vấn đề cần được xem xét để công tác phòng chống tham nhũng thực sự mang lại hiệu quả.

Một trong những giải pháp đầu tiên đang được thực hiện để phòng ngừa tham nhũng là kê khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tế cho thấy biện pháp này vẫn mang tính hình thức, dẫn tới hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng thấp.

Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm, nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được.

Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn lúng túng, có biểu hiện không nghiêm minh. Minh chứng là dù số lượng các vụ án tham nhũng năm 2013 được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 14% so với cùng kỳ năm 2012.

Tại phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo một cơ quan của Quốc hội đã phải thốt lên rằng: “Có những vụ án thông tin ra công luận rất rõ ràng, nhưng cuối cùng lại rơi vào im lặng. Cứ mập mờ như vậy, đến tôi là ủy viên trung ương còn băn khoăn, dư luận còn đâu niềm tin”. Nhiều ý kiến đề nghị trong thời gian tới phải xử lý dứt điểm được tất cả vụ án lớn về kinh tế đã khởi tố điều tra trên 3 năm.

Đồng thời, cần cương quyết rà soát tất cả các vụ án lớn, nghiêm trọng đã đình chỉ điều tra hoặc xử lý hành chính, để xem xét xử lý hình sự. Việc chỉ tập trung xử lý án tham nhũng nhỏ, với đối tượng là cán bộ cấp xã phường như thời gian qua sẽ không thể lấy lại được niềm tin của xã hội. Nhân dân kỳ vọng với những quyết tâm đã được thể hiện, mặt trận phòng chống tham nhũng cần hướng vào những “địa chỉ đen” xứng tầm.

Cách đây không lâu, ý kiến thẳng thắn của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước, nhận được sự đồng tình của dư luận, khi ông cho rằng lực lượng phòng chống tham nhũng phải tập trung đánh những con “cá lớn”.

Cho biết mình có thông tin về việc nhiều vị lãnh đạo đương chức có nhà, đất ở thành phố lớn, “đợi đến về hưu sẽ dùng”, ông Ksor Phước nói: “Tại sao cứ đi đánh ở những đâu đâu, cứ xoáy sâu vào đây sẽ được cá lớn”. Đương nhiên, nói như vậy nhưng để làm được không dễ. Giải pháp này đòi hỏi cơ quan phòng chống tham nhũng phải là những Bao Công thực sự liêm chính, không vướng vào các vòng lợi ích, vốn là vấn đề rất phức tạp hiện nay.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong một phiên thảo luận gần đây đã phải đặt câu hỏi: Bản thân lực lượng phòng chống tham nhũng có tiêu cực, có bao che không, có tham nhũng trong quá trình phòng chống tham nhũng hay không? Đây là yêu cầu cần được phân tích, đánh giá cụ thể trong các báo cáo về phòng chống tham nhũng, không thể chỉ dừng ở việc báo cáo các vụ tham nhũng vặt.

Các tin khác