Chống hay né sạt lở?

(ĐTTCO)-ĐBSCL đang rơi vào vòng xoáy của sạt lở đất. Đặc biệt  là bước vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7-2018, sạt lở gia tăng ngày một mạnh hơn, cứ cách 1 - 2 tuần là sạt lở diễn ra ở Cà Mau rồi Bạc Liêu, xoay vòng lên Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang. 
Chống hay né sạt lở?

Sạt lở không chỉ cuốn đi hàng trăm hécta đất, hàng ngàn ngôi nhà làm nhiều gia đình trắng tay mà còn đe dọa sinh kế hàng triệu người dân trong vùng. Tìm giải pháp chống sạt lở đang là vấn đề nóng và bức xúc. Vậy có phải cứ sạt là chạy lở hay chủ động né sạt lở từ xa?

“Trắng tay vì sạt lở, bất lực nhìn hà bá cuốn đi tài sản” - những từ ngữ này liên tục lặp lại trên các phương tiện truyền thông khi đề cập đến sạt lở ĐBSCL hiện nay. “Sạt lở ở ĐBSCL không còn theo quy luật: dòng sông bên lở bên bồi. Sạt lở hiện diễn ra quanh năm! Đây là điều chúng ta cần cảnh báo đến người dân để không chủ quan” - Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) cảnh báo.

Trong những ngày đầu tháng 7-2018, tình hình sạt lở đê biển Tây ở huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) đã làm cho khoảng 500 hộ dân trắng tay và mất sinh kế từ nghề thủy sản. Cũng tại khu vực này, gần 500ha đất bãi bồi, rừng phòng hộ đã bị sóng biển cuốn mất trong 10 năm qua. Sạt lở ven biển Đông ở Cà Mau cũng tương tự. Mỗi năm Cà Mau mất khoảng 450ha đất ven biển, rừng phòng hộ…

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng khốc liệt, với đặc thù của nền đất mềm, sông rạch chi chít nên ĐBSCL được xem là vùng đất dễ tổn thương nhất do sạt lở gây ra. Theo số liệu từ Ủy hội sông Mê Công, các quốc gia thượng nguồn xây dựng thủy điện khiến lượng phù sa bồi cát về khu vực ĐBSCL giảm đến 70%. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát quá mức cùng với tập quán người dân sống ven kinh rạch… dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này ngày càng gia tăng.

Cuối tháng 9-2017, trước khi tham dự Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát bằng trực thăng dọc theo các tuyến sông châu thổ miền Tây. Có thể nói, Chính phủ đã nhận ra những vấn đề nghiêm trọng do sạt lở gây ra, tác động đến sinh kế của người dân.

Sau hội nghị, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ (Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu). Đầu tháng 5-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì hội nghị để lắng nghe lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL báo cáo những diễn biến phức tạp của sạt lở.

“Tất cả các bộ, đặc biệt là các địa phương trong vùng, triển khai đồng bộ, kịp thời hơn các giải pháp để thực hiện chống sạt lở. Bảo đảm an toàn tính mạng, giữ đất, giữ người, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, không để sạt lở gần hết rồi mới chạy đi tìm nguồn lực giải quyết” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đầu tháng 7-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước để sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, câu chuyện sạt lở lại được đề cập đến.

Theo đó, trước tình hình sạt lở đất bờ sông, biển tại ĐBSCL đang diễn ra gay gắt, Chính phủ đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho vùng ĐBSCL xử lý cấp bách tình hình và yêu cầu các địa phương được thụ hưởng sớm xây dựng các công trình…

Cùng lúc này, việc Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) công bố bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL được xem là những nỗ lực từ Chính phủ và ngành chức năng hỗ trợ ĐBSCL phòng chống sạt lở.

Nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ là có hạn. Cần nhìn nhận việc phòng chống sạt lở bằng các công trình đê kè kiên cố hiện nay là tốn rất nhiều ngân sách. Đơn cử tại An Giang, để cứu 4,3km bờ sông sạt lở bằng dự án chỉnh trị dòng chảy tuyến sông Hậu cần nguồn kinh phí lên đến 2.400 tỷ đồng; tại Cần Thơ dự án kè chống sạt lở chưa đến 4km ở khu vực sạt lở Ô Môn mới đây cần đến 450 tỷ đồng tại Cà Mau cần khoảng 1.300 tỷ đồng để xử lý chống sạt lở ven biển dài 150km(!?).

Việc làm đê, kè ở các khu vực xung yếu đông dân cư sinh sống là cần thiết, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần áp dụng linh động các biện pháp mềm như việc trồng rừng tạo bãi bồi ven biển như Trà Vinh, Bạc Liêu đang làm là hiệu quả dài lâu. Tại Bạc Liêu, các dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng có tổng chiều dài hơn 20km đã phát huy hiệu quả khi sự xuất hiện số lượng cây mắm mọc tự nhiên và phát triển tốt tại các khu vực bãi bồi là dấu hiệu đáng mừng.

Một giải pháp “né sạt lở lâu dài” được các chuyên gia khuyến khích: Hạn chế xây dựng các đường giao thông mới gần bờ sông, cần có biện pháp để hạn chế việc người dân xây mới nhà cửa ven sông.

Quan điểm này được ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, đồng tình: “Các cơ quan chức năng của địa phương phải chấm dứt cấp phép cho xây dựng nhà cửa trên sông, cần phải bít cất nhà sàn trên sông. Nếu để xảy ra tình trạng này Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm.

Cơ quan chức năng của thành phố phải sớm có đề án, lộ trình để giải quyết dứt điểm việc cất nhà sàn ven mé sông. Sau này, có sạt lở cũng không ảnh hưởng đến tình mạng tài sản của người dân”. Đây cũng là một giải pháp “né sạt lở” căn cơ mà các tỉnh khu vực ĐBSCL nên nghiên cứu.

Các tin khác