Chồng chéo thanh tra và kiểm toán

(ĐTTCO)- Dù đã có sự phối hợp, nhưng thực tế vẫn có sự chồng chéo trong hoạt động giữa Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và cơ quan thanh tra. Có những đơn vị, dự án, cơ quan thanh tra đã có kết luận thanh tra, nhưng KTNN vẫn tiến hành kiểm toán và ngược lại. 
Chồng chéo thanh tra và kiểm toán
Cùng một sự việc nhưng có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm toán kết luận, đánh giá khiến cho hoạt động trên chồng chéo, không mang lại hiệu quả cao, “làm khó” đối tượng được thanh tra, kiểm toán.
Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng đã phối hợp chặt chẽ với KTNN, song quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra phát sinh chồng chéo về đối tượng với một số chuyên đề của KTNN. Cụ thể, Thanh tra Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra ngân sách các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Bạc Liêu, Hải Dương, Yên Bái, Bến Tre, Trà Vinh, Hà Giang, Cao Bằng.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng trong cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 159.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện hơn 31.000 cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng. 
Trong khi đó, KTNN cũng kiểm toán chuyên đề công tác quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ tại tỉnh Hải Dương; kiểm toán chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại Hà Nam, Hải Dương; chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Hà Nam; công tác phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ tại các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Bạc Liêu, Hải Dương, Yên Bái, Bến Tre, Trà Vinh, Hà Giang, Cao Bằng. Hay như Thanh tra Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra hành chính các cục thuế Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Ninh. Trong khi đó, KTNN cũng có kế hoạch kiểm toán ngân sách các tỉnh này.
Sự chồng chéo giữa hoạt động của KTNN và cơ quan thanh tra cũng xảy ra ở một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại… Đơn cử như năm 2015, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) xây dựng kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ, hoạt động ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); thanh tra pháp nhân đối với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Trong khi đó, KTNN cũng vào cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2014; kiểm toán các chuyên đề thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 tại VDB, Vietinbank, BIDV; kiểm toán báo cáo tài chính CTCP Chứng khoán BIDV, Tổng công ty Bảo hiểm BIC, Công ty cho thuê tài chính MTV BIDV. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm toán đối với việc tái cấu trúc, xử lý nợ xấu của các tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại cũng được đưa vào kế hoạch của 2 cơ quan Thanh tra và KTNN.
TS. Trần Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính và tổng hợp (Thanh tra Chính phủ), cho rằng việc duy trì 2 thiết chế này trong kiểm soát hành pháp thời điểm hiện nay là cần thiết, phù hợp. Tuy nhiên, cần có sự phân định rõ ràng, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ và xây dựng cơ chế phối hợp giữa 2 thiết chế này.
KTNN được xem là công cụ để kiểm soát quyền hành pháp từ bên ngoài, còn cơ quan thanh tra là một thiết chế để kiểm soát bên trong của việc thực hiện quyền hành pháp. Và sự kiểm soát này phải bảo đảm được sự chặt chẽ để phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong thực thi pháp luật và xử lý vi phạm.  Thực tế, những chức năng, nhiệm vụ của KTNN (được quy định trong Luật KTNN) giống với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra (được quy định trong Luật Thanh tra và các nghị định của Chính phủ). 
Đã đến lúc cần có sự nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó, KTNN tập trung và tăng cường chức năng kiểm toán báo cáo tài chính để kịp thời phục vụ công tác phân bổ, quyết toán và đánh giá hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách… Còn những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra giống với các chức năng, nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính của KTNN cần nghiên cứu, điều chỉnh để KTNN thực hiện. Khi cần đánh giá hiệu quả và nhận xét việc quản lý, sử dụng ngân sách, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến đề nghị KTNN tiến hành kiểm toán. 
Thừa nhận đã có sự phối hợp, nhưng Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, cho rằng sự phối hợp theo vụ việc lại phụ thuộc vào may rủi, thiện chí của những người thực thi công vụ cụ thể ở bối cảnh đó. Ông Thanh cũng đồng tình với quan điểm khi sửa luật là Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra khi có khiếu nại tố cáo và thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng, chứ không tự mình thanh tra, còn lại là KTNN phải làm hết. Bởi thanh tra là công cụ quản lý, nên cơ quan thanh tra tràn lan khắp nơi sẽ làm “mất thiêng” công cụ của Chính phủ.

Các tin khác