Chính danh doanh nghiệp xã hội

Đây là mô hình tuy còn mới mẻ ở nước ta nhưng là một phong trào phát triển mạnh mẽ ở Anh, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Singapore, Indonesia... Chỉ tính riêng nước Anh, quốc gia có lịch sử phát triển DNXH lâu đời, hiện có khoảng 70.000 DNXH, chiếm 5% tổng số đơn vị kinh tế và đóng góp 24 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế, mang lại việc làm cho 1 triệu người.
 

Trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, có một khái niệm khá mới là doanh nghiệp xã hội (DNXH).

Đây là mô hình tuy còn mới mẻ ở nước ta nhưng là một phong trào phát triển mạnh mẽ ở Anh, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Singapore, Indonesia... Chỉ tính riêng nước Anh, quốc gia có lịch sử phát triển DNXH lâu đời, hiện có khoảng 70.000 DNXH, chiếm 5% tổng số đơn vị kinh tế và đóng góp 24 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế, mang lại việc làm cho 1 triệu người.

Giống với DN thông thường, DNXH là các công ty như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh… Điểm khác biệt cơ bản giữa DNXH và DN thông thường là toàn bộ hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội hoặc môi trường và mục tiêu được xác định ngay từ khi thành lập. Phần lớn lợi nhuận thu được của DNXH được tái đầu tư để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường đã đăng ký, không chia hết cho thành viên, cổ đông như DN thông thường.

Trong vài năm gần đây ở nước ta đã xuất hiện ngày càng nhiều DN kinh doanh giống với DNXH, mặc dù chưa được thể chế hóa về mặt pháp lý.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cả nước hiện có gần 300 đơn vị đang hoạt động theo đúng mô hình DNXH, mỗi năm có thêm khoảng 50 DNXH đi vào hoạt động. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn tổ chức, trung tâm có những đặc điểm có thể phát triển thành DNXH.

Tuy nhiên, các DNXH của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do vấn đề nhận thức còn hạn chế nên chưa được công nhận chính thức từ phía Nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng. Cùng với đó, các hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh và gắn kết cộng đồng. Bên cạnh việc chưa chính danh, nhận thức của xã hội nói chung về vai trò DNXH chưa thật đầy đủ, dẫn đến hệ quả là sự hoài nghi của các bên về bản chất và mục đích của các DN này.

Khảo sát thực tế và tham vấn chính sách trong quá trình soạn thảo Luật DN (sửa đổi), cho thấy chủ sở hữu, người quản lý và các bên có liên quan đều mong muốn DNXH được thể chế hóa và thừa nhận về mặt pháp lý. Qua đó, có những chính sách phù hợp tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển, phù hợp với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trở thành một lực lượng bổ sung và chia sẻ gánh nặng với Nhà nước nhằm cung cấp phúc lợi, giải quyết các vấn đề xã hội - môi trường một cách hiệu quả và bền vững.

Hiện cả nước ước tính có 24 triệu người (28% dân số) thuộc diện đối tượng cần hỗ trợ (hộ nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người mãn hạn tù, người bị nhiễm HIV/AIDS, người già neo đơn...). Bởi vậy, để thực hiện hiệu quả những chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này, bên cạnh nguồn lực nhà nước, việc ban hành các văn bản pháp luật tạo lập khung khổ pháp lý, chính thức công nhận, có cơ chế khuyến khích DNXH phát triển là rất cần thiết.

Trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) đã trình Quốc hội, bên cạnh các quyền của DN thông thường, DNXH sẽ được huy động và nhận tài trợ từ các cá nhân, tổ chức; được hưởng các mức ưu đãi cao nhất về thuế, tiếp cận vốn, tiếp cận quyền sử dụng đất; được tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để DN hoạt động vì vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký.

Về nghĩa vụ, bên cạnh các nghĩa vụ chung quy định cho DN, DNXH sau khi đăng ký phải duy trì tôn chỉ, mục tiêu, sứ mệnh xã hội của mình trong suốt quá trình hoạt động. Tuy nhiên, để các cơ chế chính sách này sớm đi vào cuộc sống, ngay sau khi luật được thông qua, cần thiết phải có nghị định của Chính phủ về DNXH. Trong đó quy định cụ thể khái niệm và các tiêu chí, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ DNXH. Nghị định này cũng cần chỉ rõ được cơ quan quản lý nhà nước nào nhận trách nhiệm thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của khối DN này.

Từ đó, xây dựng và đưa ra các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy DNXH phát triển, phát huy các sáng kiến xã hội, huy động nguồn lực tiềm tàng cả về trí tuệ và vật chất trong dân, tính hiệu quả, bền vững của giải pháp xã hội.

Cùng với tạo ra địa vị pháp lý chính danh, cần tăng cường công tác truyền thông để xã hội hiểu rõ về bản chất, vai trò của DNXH. Từ đó thu hút các doanh nhân xã hội, cộng đồng tham gia xây dựng và phát triển. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực, đào tạo các kỹ năng quản lý DN, tài chính, nhân sự, tiếp thị cho DNXH; tham vấn, học hỏi kinh nghiệm xây dựng môi trường phát triển bền vững cho khối DN này của quốc tế.

Ngoài ra, nên xếp loại, đánh giá DNXH theo các tiêu chí nhất quán, minh bạch, từ đó có những chính sách hỗ trợ tài chính gắn chặt với tính hiệu quả của tác động xã hội; tôn vinh các doanh nhân xã hội thành công; tạo cầu nối để DNXH có thể tiếp cận và cung cấp các dịch vụ công ích.

Các tin khác