Chế tài thu-chi ngân sách

Đây là đòi hỏi cần thiết của những người đại diện cho dân trong bối cảnh chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nhưng nguồn thu ngân sách ngày càng hạn hẹp. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình điều hành ngân sách thời gian qua, chỉ “thắt lưng, buộc bụng” chưa đủ, phải nhìn lại việc thực hiện kỷ luật ngân sách mới có thể tính kế lâu dài.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tuần qua tại Quốc hội, đã có nhiều ý kiến đề nghị phải có chính sách “thắt lưng, buộc bụng” để dành nguồn lực ngân sách cho những nhiệm vụ cấp bách như hỗ trợ lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo, hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi bám biển.

Đây là đòi hỏi cần thiết của những người đại diện cho dân trong bối cảnh chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nhưng nguồn thu ngân sách ngày càng hạn hẹp. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình điều hành ngân sách thời gian qua, chỉ “thắt lưng, buộc bụng” chưa đủ, phải nhìn lại việc thực hiện kỷ luật ngân sách mới có thể tính kế lâu dài.

Trong phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hôm 29-5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn về những tồn tại lâu nay trong thu chi ngân sách, như thu NSNN chưa bền vững; chi NSNN vẫn còn tình trạng lãng phí, sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán...

Kỷ luật tài khóa lỏng lẻo được thể hiện rõ khi tình trạng chi NSNN vượt dự toán còn xảy ra phổ biến ở nhiều bộ, ngành và địa phương cũng như trong từng đơn vị ngân sách với mức độ lớn và có xu hướng tăng theo thời gian. Nợ xây dựng cơ bản của các địa phương khá phổ biến, đặc biệt có nhiều tỉnh ngưỡng nợ xây dựng cơ bản đã vượt quá tỷ lệ quy định. Nợ xây dựng cơ bản không chỉ ở cấp tỉnh mà có cả ở cấp xã. Trong khi đó, vấn đề chế tài xử phạt còn chưa nghiêm, càng làm cho việc thực hiện kỷ luật tài khóa bị hạn chế.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, nguyên nhân gốc của tình trạng này do sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc huy động nguồn thu còn hạn chế, các sắc thuế được phân chia 100% cho ngân sách địa phương có hiệu suất thu thuế thấp, chính quyền địa phương hạn chế về khả năng tăng nguồn thu cho mình ngoài các chính sách thu do Trung ương quy định.

Về chi NSNN, việc khống chế các tỷ lệ cứng (mức sàn) đối với chi cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… có ưu điểm thể hiện trọng tâm và ưu tiên cho các lĩnh vực này, song thực tế có thể tạo ra sự cứng nhắc và kém linh hoạt đối với các địa phương. Số ngân sách được phân bổ cho các lĩnh vực này có thể không sử dụng hết, trong khi lại không điều chuyển được cho các lĩnh vực khác do bị khống chế về tỷ lệ chi.

Điều này dẫn tới nghịch lý lâu nay là dù giáo dục đào tạo và khoa học - công nghệ được xem là quốc sách hàng đầu, nhưng hầu như chưa năm nào chi ngân sách hết dự toán. Năm 2009, chi giáo dục đào tạo, dạy nghề chỉ đạt 73% dự toán; năm 2010 đạt 92,3%; năm 2011 đạt 90,2%; năm 2012 đạt 93,5%... Như vậy, trong 4 năm chi cho giáo dục đạt thấp, giảm tới 26.000 tỷ đồng so với dự toán. Trong khi đó, chi thường xuyên lại liên tục vượt dự toán.

Trong phiên thảo luận về quyết toán NSNN năm 2012, ĐBQH Võ Thị Dung (TPHCM),cho rằng cần sớm làm rõ trách nhiệm để siết chặt kỷ luật chi NSNN. ĐB này dẫn chứng: “Mua sắm xe công nói phải hạn chế, nhưng năm 2012 dù khó khăn nhưng ngân sách phải bỏ tiền mua trên 1.700 chiếc ô tô, trị giá mỗi xe cả tỷ đồng. Mua như thế có vi phạm kỷ luật chi không, ai chịu trách nhiệm?”.

Trong bối cảnh hiện nay cần có giải pháp xử lý căn cơ những vấn đề còn tồn tại trong thu chi ngân sách. Hiện nay ở Việt Nam áp dụng cơ chế NSNN lồng ghép giữa Trung ương và địa phương. Cơ chế này không làm rõ thế nào là ngân sách quốc gia, thế nào là ngân sách địa phương. Không minh bạch được điều này sẽ không minh bạch được trách nhiệm.

Về kỷ luật ngân sách, lâu nay thực hiện một cơ chế ngân sách mềm, tạm gọi là ngân sách tùy tiện, có nghĩa cứ vượt thu thì vượt chi. Vì thế, khi quyết toán ngân sách, giữa dự toán chi ngân sách và thực chi chênh lệch tới 30-40%, khiến kỷ cương của năm tài khóa không còn ý nghĩa.

Sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật NSNN và một số luật liên quan. Những vấn đề tồn tại trong thu - chi ngân sách cần được đánh giá và xử lý dứt điểm trong các đạo luật này. Để siết kỷ cương, kỷ luật ngân sách, quy trình lập ngân sách là vấn đề cực kỳ quan trọng. Làm sao quy trình từ khi lập dự toán tới khi chuẩn chi phải thống nhất, cái gì nằm trong chuẩn chi mới được chi.

Bên cạnh đó là tính minh bạch, công khai của NSNN đi cùng cơ chế giám sát, giải trình làm rõ trách nhiệm. Việc công khai và giải trình không đúng và đủ, thiếu rõ ràng, chính xác sẽ gây nguy hiểm, dễ dẫn tới việc đánh giá không đúng tình hình, không dự báo chính xác xu hướng, đưa ra nhận định sai dẫn tới các quyết sách, chủ trương không phù hợp.

Các tin khác