Cản trở “chiếc áo” hạn điền

(ĐTTCO)-Mặc dù không thể phủ nhận những thành tựu của chính sách giao đất đến từng hộ nông nghiệp và hạn điền, song cũng đã đến lúc đặt ra vấn đề: hạn mức tích tụ đất đai có còn cần thiết cho sản xuất nông nghiệp, cho sự ổn định và phồn thịnh của nông thôn trong nền kinh tế thị trường với sự đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng và sự hỗ trợ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không.

(ĐTTCO)-Mặc dù không thể phủ nhận những thành tựu của chính sách giao đất đến từng hộ nông nghiệp và hạn điền, song cũng đã đến lúc đặt ra vấn đề: hạn mức tích tụ đất đai có còn cần thiết cho sản xuất nông nghiệp, cho sự ổn định và phồn thịnh của nông thôn trong nền kinh tế thị trường với sự đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng và sự hỗ trợ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không.

 

Nhìn rõ tính cấp thiết của vấn đề này, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã được giao khẩn trương rà soát toàn bộ văn bản pháp luật về đất đai có liên quan và sơ kết Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai…) để trong quý 3 tới đây trình đề nghị sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, theo Điều 129 Luật Đất đai 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 3ha cho mỗi loại đất (với khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL); không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Nhìn lại quá trình quản lý đất đai qua các thời kỳ, ngay từ năm 1993, kế thừa nội dung giao đất trong khoán 10, khoán 100, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/CP về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Việc giao đất theo hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân đã hoàn thành được và duy trì đến nay. Việc tích tụ đất đai chỉ liên quan đến hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng theo điều 130 Luật Đất đai, với quy định không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, còn các hình thức tích tụ khác thông qua góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất thì luật không quy định.

Vấn đề là ở chỗ thực tiễn luôn nảy sinh những yếu tố mới mà pháp luật chưa thể bao quát hết. Từ những năm 2000, đã có những hộ nông dân, những doanh nghiệp liên kết góp ruộng, thuê lại ruộng đất để phát triển sản xuất. Tích tụ ruộng đất nhen nhóm, nhưng việc hạn mức tích tụ thông qua chuyển nhượng bị “bó cứng” theo luật (như đã nói) đã hạn chế khả năng tập trung nguồn vốn, cũng như cơ hội đầu tư khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến trong toàn chuỗi sản xuất.

Khả năng đáp ứng thị trường của sản phẩm nông nghiệp - nhất là trong bối cảnh hội nhập, thị trường đã toàn cầu hóa - cũng vì thế mà nghèo nàn đi; phân công lao động trong xã hội không đạt hiệu quả mong muốn. Rõ ràng, chính sách đối với nông nghiệp nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, đã trở thành những “chiếc áo” quá chật.

Tuy nhiên, cần có sự phân biệt rõ ràng ở đây về “hạn điền”. Theo các chuyên gia, một mặt hạn mức giao đất của hộ gia đình, cá nhân cần được tiếp tục giữ ổn định, đây là đảm bảo của Nhà nước đối với thành quả của cách mạng của dân tộc, gắn với ổn định đời sống xã hội hiện tại, là cơ sở để từng hộ nông dân có một nguồn lực ban đầu tham gia vào dây chuyền sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao.

Ngược lại, rất cần có một quyết định mạnh mẽ, đó là xóa bỏ hạn mức trong nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bằng cách này, việc tích tụ đất đai có thêm một kênh hợp pháp nữa để thực hiện. Khi có nhu cầu, người nông dân và doanh nghiệp sẽ lựa chọn quy mô tích tụ đất, lựa chọn hình thức sản xuất và hợp tác sản xuất phù hợp với thị trường dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước.

Thực tiễn tích tụ đất đai thông qua các hình thức theo quy định của Luật Đất đai hiện nay khá đa dạng. Có những địa phương không thực sự ủng hộ, vì cho rằng việc thỏa thuận chuyển nhượng sẽ “làm khó” chính quyền khi họ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất (vì phải áp dụng mức giá theo quy định của Nhà nước - được đánh giá là thấp hơn nhiều so với mức giá thỏa thuận).

Có địa phương khác, như Hà Nam, với mong muốn thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện cải thiện cuộc sống cho người dân, đã tiên phong đứng ra thuê đất của người dân, rồi sau đó cho doanh nghiệp thuê lại.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính, vai trò trung gian của Nhà nước ở đây có thể coi như một hình thức “tín chấp”, có tác dụng làm cho các chủ sử dụng đất yên tâm hơn khi đem đất - tư liệu sản xuất của mình đi cho thuê, nhưng lại có nhược điểm là không thực sự đúng với các quy định về vai trò, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn nữa, giả sử trong quá trình thuê đất, những biến động trong sản xuất kinh doanh khiến doanh nghiệp không may phá sản thì ngay cả chính quyền cũng không có cơ sở pháp lý chắc chắn để đảm bảo quyền lợi của người dân đã cho thuê đất.

Dĩ nhiên, “may” một chiếc áo pháp luật mới rộng rãi hơn là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Để thúc đẩy việc tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp, Nhà nước còn có vai trò dẫn dắt xu hướng này thông qua tuyên truyền về thị trường sản phẩm, thị trường lao động, thị trường vốn, cung cấp thông tin về những tiến bộ khoa học công nghệ.

Việc ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh theo hướng thị trường để tạo lòng tin và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất nông nghiệp với quy mô và chất lượng cao; tạo hành lang pháp lý cho người nông dân và doanh nghiệp bắt tay cùng nhau cùng phát triển là yêu cầu không thể thiếu.

Về phần mình, các doanh nghiệp và người nông dân cũng phải rũ bỏ tâm lý trông chờ vào Nhà nước để tự tính toán, vươn lên bằng năng lực nội tại của mình; lựa chọn hình thức và mô hình kinh doanh phù hợp, chấp nhận luật chơi của nền nông nghiệp hàng hóa trong bối cảnh thị trường rộng mở không biên giới.

Các tin khác