Cần con số thật

Vì sao lại “cần những con số thật”? Bởi lẽ, con số GRDP thời gian qua quá ảo, như chính lời Thủ tướng nhận định “không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế... không giống ai cả”. Thực tế, thời gian qua tổng hợp kết quả tính toán chỉ tiêu GRDP của các địa phương thường gấp trên 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, bình quân tốc độ tăng GDP theo nghị quyết HĐND các tỉnh, thành phố năm 2011 là 12,9%, còn số liệu thực hiện cơ quan thống kê tính 11,51%, trong khi tăng trưởng cả nước 5,89% (giá so sánh 1994).

Tại hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch - đầu tư tổ chức cuối tuần trước ở Đà Nẵng, yêu cầu đổi mới cách tính số liệu thống kê tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đã được đặt ra khá quyết liệt. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Phải tính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đảm bảo chính xác, sát thực tế. Cách tính này chắc chắn sẽ làm giảm các con số thống kê GRDP của các địa phương, nhưng chúng ta cần những con số thật”.

 Vì sao lại “cần những con số thật”? Bởi lẽ, con số GRDP thời gian qua quá ảo, như chính lời Thủ tướng nhận định “không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế... không giống ai cả”. Thực tế, thời gian qua tổng hợp kết quả tính toán chỉ tiêu GRDP của các địa phương thường gấp trên 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, bình quân tốc độ tăng GDP theo nghị quyết HĐND các tỉnh, thành phố năm 2011 là 12,9%, còn số liệu thực hiện cơ quan thống kê tính 11,51%, trong khi tăng trưởng cả nước 5,89% (giá so sánh 1994).  

Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã cử 5 đoàn công tác đến Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai và Lâm Đồng để cùng với các cục thống kê rà soát, kiểm tra, tính toán lại số liệu GRDP năm 2011 của các địa phương này. Kết quả, GRDP của 5 địa phương này sau khi được tính lại đều thấp hơn từ 2 -5,5% so với số liệu đã báo cáo. Hầu hết các ngành, lĩnh vực tính tốc độ tăng GRDP cao hơn thực tế; rất ít ngành, lĩnh vực tính thấp hơn.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên, theo nhận định của các chuyên gia ngành thống kê là do bệnh thành tích của lãnh đạo địa phương. Thực tế, hầu hết nghị quyết đảng bộ cấp tỉnh đều đặt chỉ tiêu tăng GRDP tỉnh mình khá cao so với thực tế và cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng GDP của cả nước. Và để đạt được cơ cấu ngành, khu vực theo nghị quyết đại hội đảng, nhiều địa phương đã tùy tiện điều chỉnh số liệu theo giá hiện hành.

Bên cạnh đó, để đánh giá tình hình phát triển kinh tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường so sánh tốc độ tăng trưởng với các địa phương khác trong cùng một vùng hoặc giữa các thành phố trực thuộc Trung ương với nhau. Vì thế, khi địa phương mình bị tính thấp hơn các tỉnh bạn là… cơ quan số liệu bị yêu cầu tính tăng cao lên.

Theo chủ trương đề ra, từ năm 2015, Tổng cục Thống kê sẽ thay các tỉnh trực tiếp tính toán và công bố các con số GRDP tại các tỉnh để thống nhất với GDP chung cả nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết nếu không thay đổi căn bản cách tính GRDP, hậu quả về chính sách và kế hoạch sẽ rất lớn. Tính trùng, tính sai khiến tăng trưởng ảo, sẽ dẫn đến các quyết sách sai. Trong bối cảnh Chính phủ và các địa phương đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020, yêu cầu đổi mới cách thống kê càng trở nên cần thiết.

Không chỉ có cách tính GDP ở các địa phương cần thay đổi, trong báo cáo kinh tế vĩ mô được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành mới đây, đã chỉ ra khá nhiều bất cập trong cách tính GDP cả nước. Cụ thể, hiện nay việc tính GDP về giá so sánh năm gốc ở Việt Nam không theo chuẩn mực quốc tế, dẫn tới GDP theo giá so sánh có thể bị bóp méo để ép tốc độ tăng trưởng, từ đó dẫn đến chỉ số giảm phát GDP rất khó lý giải trong một số trường hợp.

Các tác giả báo cáo cho rằng công tác thống kê của Việt Nam, trong đó có cách tính GDP, là một trong những điểm nghẽn thể chế ít được đề cập trong các nghiên cứu nhưng lại có vai trò quyết định đến chất lượng, sự hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, định hướng chiến lược phát triển kinh tế cũng như công tác thẩm tra giám sát.

Như vậy, để có những con số thật, cách tính số liệu thống kê cần đổi mới toàn diện ở cả hai cấp trung ương và địa phương. Cụ thể, cần xác định nền tảng số liệu thống kê chuẩn xác là tính độc lập và minh bạch. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi). Một số ý kiến cho rằng nếu luật chế định cơ quan thống kê là cơ quan độc lập với Chính phủ, hoạt động bằng ngân sách do Quốc hội duyệt cấp hàng năm có thể tránh được sức ép công bố số liệu đẹp, đồng thời đủ sức chế tài các tổ chức và cá nhân trong quá trình thu thập dữ liệu.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Thống kê trong thời gian tới phải hướng tới tính minh bạch, trung thực và khoa học của số liệu thống kê. Cần có quy định cụ thể trong luật về nghĩa vụ và trách nhiệm cung cấp thông tin từ cả đối tượng thu thập lẫn cơ quan thống kê.

Các tin khác