Cần chế tài mạnh giá cước vận tải

Từ nửa cuối năm 2014, việc điều hành giá xăng dầu của Chính phủ đã có những thay đổi tích cực, phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang giảm sâu. Theo đó, hầu hết mặt hàng xăng dầu đều giảm giá mạnh; riêng xăng giảm tới 38,9%.
 

Hôm qua 28-1, các đoàn thanh tra giá cước vận tải của Bộ Tài chính bắt đầu làm việc với các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đây là lần thứ 2 kể từ tháng 11-2014, Bộ Tài chính tổ chức các đoàn công tác đi thanh tra, kiểm tra giá cước vận tải, nhằm yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với mặt bằng giá xăng dầu đúng thời gian quy định.

Từ nửa cuối năm 2014, việc điều hành giá xăng dầu của Chính phủ đã có những thay đổi tích cực, phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang giảm sâu. Theo đó, hầu hết mặt hàng xăng dầu đều giảm giá mạnh; riêng xăng giảm tới 38,9%.

Trong khi đó, giá cước vận tải, đặc biệt giá cước vận tải hành khách bằng ô tô, tuy có giảm song không đáng kể, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, việc giá cước ô tô không giảm tương đồng với mức giảm giá xăng dầu đang làm mất đi cơ cơ hội phục hồi kinh tế.

Tại cuộc họp về điều hành kinh tế vĩ mô hôm 22-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) và các bộ liên quan họp bàn, đưa ra giải pháp và chỉ đạo giảm giá cước vận tải. Thủ tướng yêu cầu giảm giá cước dịch vụ vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Việc kiểm tra giá cước vận tải được Bộ Tài chính tiến hành lần này tại các địa bàn trọng điểm ở cả 3 miền nhằm thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vấn đề đặt ra là liệu việc kiểm tra giá cước có buộc doanh nghiệp điều chỉnh giá cước về mức hợp lý so với mức giảm của giá xăng dầu? Theo ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính, kết quả kiểm tra liên ngành của Bộ Tài chính và Bộ GTVT trong tháng 11-2014 đã bước đầu có kết quả.

Nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm giá, nhưng chưa đạt được mong đợi của người dân. Vì thế, trong lần kiểm tra này sẽ có một số điểm mới. Các đoàn công tác của Bộ Tài chính sẽ tập trung kiểm tra việc doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về giá, có kê khai niêm yết giá hay không; đồng thời đi sâu kiểm tra các yếu tố hình thành giá. Tức kiểm tra giá thành vận tải, xác định các chi phí hợp lý, hợp lệ và giá thành cước vận tải thế nào là phù hợp, xác định lợi nhuận phù hợp để điều chỉnh giá cước theo mặt bằng chung.

Một số doanh nghiệp cho rằng đầu tư máy móc, thiết bị, chi phí tăng lên, các đoàn kiểm tra sẽ xem cụ thể tăng bao nhiêu. Hoặc nếu doanh nghiệp nói tăng chi phí cho lao động, đoàn kiểm tra cũng xác định xem tăng lên bao nhiêu, hợp lý hợp lệ không để xây dựng lợi nhuận định mức cho phù hợp. Đồng thời, xem xét khoản lợi nhuận có được nhờ giá xăng dầu giảm, nhưng doanh nghiệp không giảm giá là bao nhiêu, từ đó đề xuất với Bộ Tài chính có chế tài phù hợp.

Cụ thể, doanh nghiệp không niêm yết kê khai giá sẽ bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Các chi phí bất hợp lý, cố tình đưa vào giá thành để chi phí giá thành cao lên sẽ được bóc tách, yêu cầu hạch toán lợi nhuận, cần thiết chuyển cơ quan thuế để xác định thuế thu nhập bổ sung. Bộ Tài chính có thể thu hồi các khoản chi phí bất hợp lý mà doanh nghiệp “móc túi” của người dân. Những doanh nghiệp nào cố tình chây ì không kê khai hạ giá, cơ quan chức năng địa phương sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ vận tải của doanh nghiệp có giá cước hợp lý; công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, hiện nay giá cước vận tải bằng ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, việc kiểm tra kê khai giá hay các yếu tố hình thành giá để xử phạt có thể chưa đủ để buộc các doanh nghiệp phải giảm cước vận tải ở mức phù hợp.

Trong thực tế, giá cước vận tải luôn là yếu tố cấu thành quan trọng trong giá thành sản phẩm, dịch vụ, do đó người dân luôn quan tâm, theo sát mỗi diễn biến, biến động của giá cước vận tải. Một số ý kiến cho rằng cần có thêm những chế tài mạnh hơn để quản lý vấn đề này.

Cụ thể sửa đổi Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá để các cơ quan quản lý giá có thể quản lý chặt chẽ và bình ổn giá cước vận tải khi cần. Trong thời gian chưa sửa được Nghị định 177, Bộ Tài chính cần chỉ đạo các địa phương bổ sung giá cước vận tải hàng hóa vào danh mục phải kê khai giá cước.

Các tin khác