Cần câu thay vì con cá

(ĐTTCO) - Để tạo thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, không bao cấp bằng ngân sách. Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại buổi tọa đàm “Chính sách hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn”, vừa tổ chức tại Hà Nội.

(ĐTTCO) - Để tạo thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, không bao cấp bằng ngân sách. Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại buổi tọa đàm “Chính sách hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn”, vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thực tế, khởi nghiệp hay startup không còn mới mẻ ở nước ta, được dùng để chỉ những doanh nghiệp (DN) mới thành lập, hoạt động có tính đổi mới sáng tạo cao. DN khởi nghiệp được nhìn nhận như một yếu tố tích cực tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hoạt động khởi nghiệp hiện nay ở nước ta, có thể thấy đang gặp rất nhiều khó khăn, như thiếu hành lang pháp lý, thiếu vốn đầu tư, yếu về nguồn nhân lực…

Vì thế, dù các DN khởi nghiệp có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng chưa thực sự thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân, cũng như chưa được tạo điều kiện tốt nhất về mặt chính sách để có thể nhận các nguồn đầu tư đó.

Trong những năm gần đây, các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp vẫn trong tình trạng tự phát, thiếu sự liên kết và chưa thực sự đủ mạnh để phát triển các DN khởi nghiệp Việt Nam ngang tầm với các DN công nghệ trên thế giới.

Theo đó, các DN vẫn phải tự bơi là chính: vay vốn vẫn phải có thế chấp bằng tài sản, trong khi DN nhỏ mới thành lập, khả năng tiếp cận nguồn vốn rất thấp, nhất là nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, những chính sách đặc thù cho khởi nghiệp về nhà đầu tư mạo hiểm, cơ chế đối ứng đầu tư giữa Nhà nước và quỹ tư nhân chưa có; kiến thức, kinh nghiệm đầu tư khởi nghiệp cũng rất hạn chế.

Một điều nữa cũng gây cản trở cho startup là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Các đặc thù về khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp chưa được thể hiện trong các quy định về thuế, tài chính, đầu tư.

Do chưa có quy định cụ thể về mặt pháp lý liên quan đến loại hình mới này, nên để hợp thức hóa việc kinh doanh, các DN phải lái sang các hình thức kinh doanh tương tự đang được cấp phép như sàn thương mại điện tử, sàn công nghệ thông tin, phát triển phần mềm, tư vấn tài chính…

Thí dụ, quy định DN phải có văn phòng làm việc, có dây chuyền sản xuất ở quy mô nhất định; người kinh doanh phải tốt nghiệp đại học theo một chuyên ngành phù hợp, có 2 năm kinh nghiệm trở lên… Những quy định này đã không thúc đẩy khởi nghiệp, thậm chí còn hạn chế sự sáng tạo về môi trường kinh doanh.

Tình thế đặt ra yêu cầu chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp là rất cần thiết. Có một thực tế là lâu nay khi nói đến hỗ trợ DN, chúng ta thường nghĩ ngay đến biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp. Tư duy này không sai, song không phải lúc nào cũng hiệu quả bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn.

Hơn nữa, biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp có nguy cơ tạo ra sự méo mó về cạnh tranh trên thị trường nếu chỉ hỗ trợ cho một nhóm DN hay một nhóm đối tượng. Chính vì vậy, cách tốt nhất là phải tạo ra được môi trường thuận lợi, nơi mọi chủ thể, cá nhân đều có thể cạnh tranh và phát triển lành mạnh, bình đẳng về cơ hội.

Theo đó, trước hết phải tạo hành lang pháp lý để thu hút dòng vốn tư nhân cho DN khởi nghiệp, đồng thời phải có nhận thức đúng về khởi nghiệp, về hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khi có cùng một nền tảng nhận thức chung, tự khắc sẽ định vị được những gì DN khởi nghiệp cần, vai trò tham gia của Nhà nước đến đâu và tư nhân sẽ làm gì.

Hiện nay, dù chưa có Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, nhưng có Quỹ hỗ trợ DNNVV, cho phép các sản phẩm của DN khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn của quỹ này. Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đưa thêm chính sách khuyến khích xã hội mở những quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp, như Quỹ đầu tư thiên thần, Quỹ đầu tư mạo hiểm của các công ty. Khi các quỹ này giải ngân cho DN khởi nghiệp, họ được giảm thuế, miễn thuế. Đây là cách giúp cho việc hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả, chứ không phải là việc đưa tiền cho DN.

Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 cũng đã đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp. Điều cộng đồng DN quan tâm là các cơ quan có liên quan triển khai những vấn đề đó trong thực tế như thế nào. Hỗ trợ là cần thiết nhưng phần gốc vẫn là hoàn thiện hành lang pháp lý, cải cách hành chính, hạn chế những thủ tục, những giấy phép con bủa vây. Và đó là cái cần câu cho DN khởi nghiệp.

Các tin khác