Cải cách là nhiệm vụ sống còn

Sau hơn 9 tháng được ban hành, việc triển khai quyết liệt NQ 19 đã mang lại một số kết quả tích cực: Khởi sự kinh doanh giảm còn 5 thủ tục với thời gian khoảng 16 ngày (thay vì 10 thủ tục và 34 ngày như trước đây), trong đó thời gian đăng ký kinh doanh 5 ngày (ít hơn 1 ngày so với yêu cầu trong NQ 19). Tổng số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm được 370 giờ, còn 167 giờ (yêu cầu của NQ 19 là 121,5 giờ).
 

Năm 2014 đã đi qua với dấu ấn đậm nét về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 19 (NQ 19) của Chính phủ. Dù vẫn còn nhiều khó khăn do những điểm yếu nội tại của nền kinh tế, nhưng đối với cộng đồng doanh nghiệp, những kết quả bước đầu mà NQ 19 mang lại đã nhen nhóm niềm tin về những đổi thay trong tương lai.

Sau hơn 9 tháng được ban hành, việc triển khai quyết liệt NQ 19 đã mang lại một số kết quả tích cực: Khởi sự kinh doanh giảm còn 5 thủ tục với thời gian khoảng 16 ngày (thay vì 10 thủ tục và 34 ngày như trước đây), trong đó thời gian đăng ký kinh doanh 5 ngày (ít hơn 1 ngày so với yêu cầu trong NQ 19). Tổng số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm được 370 giờ, còn 167 giờ (yêu cầu của NQ 19 là 121,5 giờ).

Về thời gian tiếp cận điện, rút ngắn tổng thời gian thực hiện các thủ tục đối với công trình lưới điện trung áp 37 ngày (thấp hơn so với yêu cầu của NQ 19). Về thời gian nộp bảo hiểm xã hội, dự kiến Bảo hiểm Xã hội sẽ rút gọn từ 263 thủ tục xuống còn 111 thủ tục, giảm 50% số giờ giao dịch của các doanh nghiệp so với hiện nay. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), với những kết quả này, dự kiến xếp hạng tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tăng lên 56, so với vị trí thứ 99 (theo tiêu chí xếp hạng hàng năm của Ngân hàng Thế giới). 

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình triển khai NQ 19, có nhiều bài học cần được rút ra. Đó là sự vào cuộc ban đầu còn thiếu quyết liệt của một số bộ, ngành. Chỉ đến khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới làm việc trực tiếp, thúc giục và ra chỉ tiêu mang tính pháp lệnh, nhiệm vụ mới được thực thi một cách rốt ráo. Rõ ràng, nhận thức của một số bộ, ngành về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. Cho tới nay, theo thống kê của Bộ KH-ĐT, có tới 5 bộ hầu như chưa thực hiện giải pháp nào trong số các giải pháp được giao tại NQ 19.

Tại phiên họp Chính phủ cuối cùng của năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên định, nhất quán thực hiện NQ 19; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015. Theo Thủ tướng, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Dự kiến trong vài ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết mới trên cơ sở nội dung của NQ 19 để tăng cường hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết sẽ chỉ rõ những nhiệm vụ, công việc cụ thể của Chính phủ, từng bộ, ngành trong việc tiếp tục rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

2015 là năm có nhiều dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam với các hoạt động chạy nước rút của các bộ, ngành, địa phương cho kế hoạch 5 năm (2011-2015). Bên cạnh đó, năm 2015 Việt Nam dự báo sẽ gặt hái nhiều thỏa thuận đàm phán từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương và đáng chú ý là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Quá trình tái cơ cấu kinh tế, mà hoạt động của doanh nghiệp là trọng tâm, cũng đã đến giai đoạn quyết liệt. Chính vì thế, 2015 được xem là năm của doanh nghiệp. Việc cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển phải được xem là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại.

Với một nghị quyết mới cụ thể, chi tiết hơn NQ 19, hy vọng nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh sẽ có bước tiến mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là tư duy cải cách của lãnh đạo Chính phủ phải được các chủ thể thực hiện quán triệt sâu sắc. Các bộ, ngành cần phải coi cải cách là nhiệm vụ sống còn như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo. Trên thực tế thời gian qua một số lĩnh vực đã tiến hành cải cách nhưng còn nhiều vướng mắc.

Chẳng hạn các giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan xuống 14 ngày đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và 13 ngày với hàng hóa nhập khẩu (hiện là 21 ngày). Theo Bộ Tài chính, trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thủ tục quản lý chuyên ngành chiếm tới 72% thời gian thông quan, gắn với trách nhiệm của nhiều bộ, cơ quan khác nhau. Bởi vậy, các giải pháp này tuy đã được Bộ Tài chính tích cực triển khai thực hiện, nhưng chưa đem lại kết quả rõ ràng.

Vướng mắc nào cũng có cách giải quyết nếu thực sự có quyết tâm cải cách. Không có lý do gì môi trường kinh doanh của Việt Nam lại không cải thiện được như các nước khác trong khu vực.

Các tin khác