Buýt nhanh chưa thực sự nhanh

(ĐTTCO)-Ngày 5-1, cũng là ngày thứ 5 buýt nhanh (BRT) Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Theo ghi nhận của phóng viên, loại hình phương tiện mới này đã được nhiều người dân hưởng ứng. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, buýt nhanh vẫn chưa thể nhanh hơn buýt thường do còn nhiều hạn chế, bất cập của hạ tầng giao thông cũng như ý thức người dân.

(ĐTTCO)-Ngày 5-1, cũng là ngày thứ 5 buýt nhanh (BRT) Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Theo ghi nhận của phóng viên, loại hình phương tiện mới này đã được nhiều người dân hưởng ứng. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, buýt nhanh vẫn chưa thể nhanh hơn buýt thường do còn nhiều hạn chế, bất cập của hạ tầng giao thông cũng như ý thức người dân.

Chưa phát huy hiệu quả

Hầu hết hành khách được hỏi đều tỏ ra khá hài lòng về chất lượng dịch vụ, xe buýt nhanh chạy êm ái và tiện nghi hơn hẳn xe buýt thường với hệ thống chỗ ngồi, tay vịn hiện đại. Ngoài khung giờ cao điểm, cơ bản các chuyến buýt nhanh đạt được tốc độ như yêu cầu đề ra, nhanh hơn buýt thường từ 5-15 phút, do có làn đường riêng, có hệ thống đèn tín hiệu được thiết kế lại theo hướng ưu tiên buýt nhanh. Tuy vậy, điều ngạc nhiên là, hiện các chuyến buýt nhanh khá vắng khách, kể cả trong giờ cao điểm, không đông đúc như những chuyến xe buýt thường.

 

Mặc dù được Sở GTVT Hà Nội đánh giá là vận hành khá suôn sẻ, triển vọng tốt nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy, buýt nhanh chưa thực sự phát huy được hiệu quả khi đang phải chật vật đối mặt với những hạn chế, bất cập của hệ thống giao thông Hà Nội. Mặc dù lực lượng chức năng có mặt điều phối, phân luồng nhưng ô tô, xe máy vẫn tràn vào làn đường riêng, buýt nhanh nhiều khi bị xe khác chặn đầu, thậm chí có xe đã bị xe hơi tạt đầu, tông vỡ cửa.

Theo Sở GTVT Hà Nội, nguyên nhân là do ý thức của người dân chưa cao, giai đoạn đầu lực lượng chức năng mới chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt. Hơn nữa, gọi là đường dành riêng cho BRT nhưng khi xảy ra ùn tắc, các phương tiện khác vẫn được phép đi vào làn buýt nhanh, khi đó buýt nhanh “hòa cả làng” với buýt thường. Một trong những điểm mới của buýt nhanh nhưng lại khiến cho hành khách e ngại là nhà chờ xe ở giữa đường. Mỗi khi cập bến, hành khách khá vất vả trong việc sang đường, nhất là khi chưa có hệ thống tín hiệu xin nhường đường cho người đi bộ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, buýt nhanh mới chỉ có 1 tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã, đây chưa phải tuyến có nhu cầu vận tải hành khách lớn nhất, không đi vào trung tâm nên chưa giải quyết được nhu cầu của đông đảo của người dân.

Con số thống kê lượng hành khách vận chuyển trong tháng còn phải chờ đợi, nhưng nếu không khai thác hết công suất thì việc phải dành riêng đường cho buýt nhanh trong khi tất cả các phương tiện khác phải chen chúc nhau trên phần đường còn lại chắc chắn sẽ càng gây thêm bức xúc cho cộng đồng. Nhiều ý kiến người dân được hỏi cũng cho rằng, bỏ ra cả ngàn tỷ đồng đầu tư cho buýt nhanh để có tốc độ bình quân nhanh hơn buýt thường 5 phút là không hiệu quả.

Cần tạo điều kiện hơn nữa cho buýt nhanh

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, BRT là xe bus nhanh với khối lượng lớn, nếu được vận hành đúng với thiết kế kỹ thuật của dự án thì chắc chắn sẽ là dịch vụ vận tải công cộng hiệu quả, rất hữu ích đối với các độ thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, vấn đề là phải giữ được làn đường dành riêng cho BRT. Về vấn đề này, đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, hiện lực lượng CSGT mới chỉ nhắc nhở, chưa xử lý trực tiếp các hành vi lấn làn, cản trở xe buýt nhanh do người tham gia giao thông chưa quen.

Sắp tới, các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh sẽ bị phạt nguội thông qua hình ảnh ghi lại bằng các camera gắn trên tuyến. Hiện dọc tuyến xe buýt nhanh đã gắn nhiều biển cảnh báo về mức phạt, ghi rõ căn cứ Nghị định 46/2016/NĐ-CP, các phương tiện đi vào làn của BRT sẽ phạm lỗi “đi không đúng phần đường, làn đường quy định”, ô tô đi vào sẽ bị phạt 800.000 - 1.200.000 đồng, xe máy 300.000 - 400.000 đồng.

Mặt khác, để tạo sự kết nối tốt hơn giữa buýt nhanh với toàn bộ hệ thống giao thông công cộng, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở GTVT, Sở Tài chính và Công ty Vận tải Transerco tiếp tục hợp lý hóa mạng lưới tuyến xe buýt, tăng cường các tuyến buýt kết nối, trung chuyển với BRT.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, xe BRT là một loại hình mới nên vẫn còn phải tiếp tục điều chỉnh, từ tổ chức giao thông đến cung ứng dịch vụ. Để đạt được mục tiêu BRT thực sự là xe buýt nhanh khối lượng lớn nhưng vẫn đảm bảo an toàn, thông suốt, cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, loại hình giao thông mới này cũng rất cần sự ủng hộ của người dân.

Các tin khác