Bức xúc chuyện 3G

Nhìn nhận một cách công bằng, kể từ khi đến với người tiêu dùng, 3G đã được triển khai tốt hơn cả mong đợi. Từ chỗ nhắm tới người có thu nhập cao ở thành thị, 3G được triển khai rộng khắp “có sóng điện thoại là có 3G” và nhanh chóng phổ cập chỉ sau 2 năm.

Tăng giá cước 3G trở thành câu chuyện nóng nhất trên thị trường viễn thông từ 1 tháng trở lại đây, thậm chí nóng hơn việc tách MobiFone hay VinaPhone ra khỏi VNPT. Với mức tăng trung bình 40%, thậm chí 300% đối với một số dịch vụ, các nhà mạng đã tạo nên một làn sóng phản đối và tẩy chay trong khách hàng.

Nhìn nhận một cách công bằng, kể từ khi đến với người tiêu dùng, 3G đã được triển khai tốt hơn cả mong đợi. Từ chỗ nhắm tới người có thu nhập cao ở thành thị, 3G được triển khai rộng khắp “có sóng điện thoại là có 3G” và nhanh chóng phổ cập chỉ sau 2 năm.

Chưa hết, nếu cước 2G phải mất nhiều năm mới giảm 2-3 lần, thì với 3G chỉ cần hơn 2 năm cước đã giảm 5-6 lần. Trước đây, khi một số nhà mạng tung gói cước GPRS không giới hạn tối đa 137.500 đồng/tháng, đã tạo nên bước ngoặt lớn đối với người dùng, nhưng với 3G, giá cước trọn gói Mobile Internet không giới hạn chỉ 40.000 đồng/tháng là mức không ai dám nghĩ tới trước đó.

Vậy tại sao khách hàng lại bức xúc? Theo các nhà mạng, cước 3G tăng giá để chấm dứt tình trạng bù lỗ và nhằm tiếp tục đầu tư khi nhu cầu người dùng ngày càng cao. Theo thống kê của Cục Viễn thông, đợt tăng giá cước 3G đối với gói dịch vụ không giới hạn vừa qua chỉ có tác động đến 8,9% thuê bao trong tổng số 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9 và các doanh nghiệp đang tính cước dưới giá thành.

Cụ thể giá thành dịch vụ truy cập dữ liệu internet di động 167 đồng/MB, nhưng giá đang cung cấp cho khách hàng trung bình khoảng 100 đồng/MB (thấp hơn giá thành 67 đồng/MB).

Trước hết, hãy bàn đến chất lượng 3G. Mặc dù đã được phổ biến rộng rãi, chất lượng của dịch vụ này được xem chưa tương xứng.

Theo Báo cáo “Khảo sát mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM” do Công ty Nielsen công bố vào tháng 5 vừa qua, có tới 92% người dùng 3G tham gia khảo sát cho rằng tốc độ đường truyền là yếu tố quan trọng nhất của dịch vụ 3G.

Thế nhưng chỉ có 55% người dùng cảm thấy hài lòng về tốc độ đường truyền mà mình sử dụng trong năm 2012 (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 64% của năm 2011). Đặc biệt, có tới 26% người dùng không hài lòng và 19% người dùng rất không hài lòng về tốc độ đường truyền. Điều này đặc biệt trở nên bi đát sau tăng giá, khi mà theo phản ánh của nhiều khách hàng, số tiền cước bị trừ rất nhanh, trong khi chất lượng không hề được cải thiện, thậm chí ở một số địa điểm, đọc báo cũng trở nên khó khăn.

Như vậy, có thể dễ dàng thấy rằng chỉ tính riêng trên lĩnh vực dịch vụ 3G, nước ta đang “đi lùi” khi việc tăng giá cước được quyết định đơn phương, thay vì xác định giá cả dựa trên các căn cứ pháp lý và cạnh tranh thị trường minh bạch. Ngay chuyện các nhà mạng nói đang bán giá cước dưới giá thành (thấp hơn 67 đồng/MB) cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, vì sao phải bán dưới giá thành, phải chăng lại thêm một chiêu cạnh tranh không lành mạnh?

Thứ 2, sâu xa hơn, đã có nhiều người cho rằng dường như bóng dáng của độc quyền kiểu mới đang quay trở lại. Việc 3 doanh nghiệp viễn thông nắm đến 97% thị phần đồng loạt tăng cước trong cùng một ngày khiến khách hàng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: hoặc bắt buộc phải dùng tiếp với mức giá cao, hoặc từ bỏ, không có lựa chọn khác.

Ở một góc độ nào đó, không khó để thấy bóng dáng của “liên minh vì quyền lợi”. Từ đây có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó có việc vì sao Bộ Thông tin - Truyền thông đồng ý cho 3 doanh nghiệp “con cưng” của mình đồng loạt tăng giá, bỏ qua mọi yếu tố về cạnh tranh - điều mà thị trường viễn thông Việt Nam phải khó khăn lắm mới làm được?

Bởi điều này, hiển nhiên có thể trở thành tiền lệ xấu khi sau này, thay vì bị khống chế bởi chỉ 1 doanh nghiệp, thị trường sẽ bị khống chế bởi liên minh 3 doanh nghiệp, yếu tố cạnh tranh từ đó cũng bị giảm sút, thậm chí triệt tiêu.

Trên thực tế, nhìn rộng ra, chuyện của 3G hoàn toàn không xa lạ trong nền kinh tế, nơi việc điều hành nhiều sản phẩm dịch vụ cũng không dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, cạnh tranh, mà được quyết định một cách cảm tính. Đối với riêng 3G, dù các nhà mạng có đưa ra nhiều lý do để thuyết phục, đây được coi là một bước lùi.

Bởi lẽ với chất lượng trồi sụt của 3G và tính cạnh tranh không còn, việc tiến lên 4G đang phải chịu sự hoài nghi to lớn. Chưa kể, một số lượng không nhỏ khách hàng đã quyết định chấm dứt dịch vụ, từ bỏ cung cách tiếp cận thế giới một cách văn minh, mà lý do chưa hẳn đã vì tiền.

Các tin khác