Bỏ lỡ cơ hội

(ĐTTCO) - Tại diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A) 2017 được tổ chức tại TPHCM tuần qua, có một số thông tin đưa ra đáng chú ý từ các nhà đầu tư. 
Bỏ lỡ cơ hội
Đó là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong việc M&A; Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động IPO năng động nhất khu vực nhưng phần lớn DNNN IPO xong không chịu lên sàn. 

Đây thực sự là vấn đề không mới, thậm chí đã có lời giải nhưng có vẻ như việc này đang thực hiện một cách ì ạch. Theo Khoản a, Điểm 1, Điều 17 Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-9-2015 quy định: “Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng để cổ phần hóa DNNN theo quy định pháp luật về cổ phần hóa, và trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng của các DN khác theo quy định pháp luật về chứng khoán, tổ chức phát hành phải hoàn tất các thủ tục để đăng ký lại DN (nếu có), đăng ký lưu ký cổ phần, cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM”.
Theo Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán (có hiệu lực từ 15-12-2016) cũng đưa ra mức xử phạt tiền từ 10-30 triệu đồng nếu quá thời hạn đến 1 tháng; phạt 30-70 triệu đồng nếu quá thời hạn từ trên 1 tháng đến 3 tháng; phạt 70-100 triệu đồng nếu quá thời hạn từ trên 3 tháng đến 6 tháng; phạt 100-200 triệu đồng nếu quá thời hạn từ trên 6 tháng đến 9 tháng; phạt 200-300 triệu đồng nếu quá thời hạn khi không giao dịch, niêm yết từ trên 9 tháng đến 12 tháng… Nghị định 145/2016/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 300-400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng.

Tại Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 2-2-2017 về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu DNNN cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Tuy nhiên, dù có các quy định, chế tài về niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng tình trạng DN né niêm yết vẫn diễn ra phổ biến. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), đến nay có 747 DN cổ phần hóa nhưng chưa tiến hành niêm yết. Thậm chí, trong tháng 7 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn yêu cầu Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ công khai danh sách 730 DN cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Chính phủ.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 7 tháng qua đã có 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,1 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc có hơn 60.000 tỷ đồng bơm vào nền kinh tế. Một số liệu khác từng được UBCKNN công bố hồi tháng 3 là vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục vào ròng với giá trị danh mục đạt trên 18,4 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả tiền sẵn sàng trên tài khoản gián tiếp sẽ xấp xỉ 20 tỷ USD. 

Có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn nhận thị trường Việt Nam như một điểm hấp dẫn, nhất là khi nước ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN lớn cũng như chủ trương thoái vốn khỏi các ngành, lĩnh vực không cần nắm giữ. Tuy nhiên, để có thể bỏ vốn phải có thị trường, ở đây chính là việc niêm yết cổ phiếu. Việc DNNN né niêm yết cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước đang mất đi cơ hội hút nhà đầu tư ngoại có chất lượng trong quá trình thoái vốn, còn DN cũng mất đi cơ hội có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong việc nâng cao chất lượng quản trị DN. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải thiện tình hình hiện nay, có thể dòng vốn ngoại sẽ đi tìm “bến đỗ” khác.

Các tin khác