Bịt “lỗ hổng” dự án BT

(ĐTTCO) - Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây cho biết cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.815 tỷ đồng đối với 21 dự án BT (hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao), tương đương 12,5% giá trị được kiểm toán.
Bịt “lỗ hổng” dự án BT

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sau khi thanh tra 15 dự án BT thì cả 15 dự án đều có sai phạm; trong đó có tới 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém; có biểu hiện “nhóm lợi ích” vì thiếu công khai, minh bạch do những khoản sinh lời vô cùng lớn mà chủ đầu tư hưởng lợi, có cơ hội bao chiếm những mảnh đất đắt địa, diện tích rộng ở nhiều địa phương.

Các dự án BT hay còn được gọi là “đổi đất lấy hạ tầng” có ý nghĩa tốt đẹp, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương, là một phương thức huy động nguồn vốn lớn của nhà đầu tư thực hiện các dự án trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách có hạn. So với các dự án theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), các dự án BT ít bị phản ứng do người dân không phải trực tiếp bỏ tiền túi ra để thanh toán khi sử dụng, tuy nhiên không phải không có những hạn chế, bất cập: Đa số các dự án là chỉ định thầu, thường được giao đất khi chưa có hạ tầng nên giá đất rất thấp. Sau khi có hạ tầng, đất trở thành “đất vàng”, giá rất cao. Vì vậy, nhà nước đổi đất với giá trị địa tô chưa được tính đến.

Hàng loạt dự án BT hiện nay còn rơi vào tình trạng triển khai dở dang do việc lựa chọn nhà đầu tư không đủ nguồn lực. Nhiều dự án lại không nằm trong quy hoạch, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, có hơi hướng lợi ích nhóm khi thông qua, nên khi hoàn thành trở nên lãng phí, vô bổ, không phát huy công năng công trình. Qua thực tế kiểm toán tại các dự án BT, Kiểm toán trưởng chuyên ngành V Kiểm toán Nhà nước đã nêu hàng loạt khuyết điểm: Thiếu kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm không rõ ràng các bên, dự án không thông qua đấu thầu công khai, không xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất, còn nhiều chồng chéo và kẽ hở trong hợp đồng để nhà đầu tư thao túng...

Hệ lụy tất yếu của cách làm trên là gây ra lỗ hổng thất thoát kép: Các dự án BT được thực hiện không chào hàng cạnh tranh nên giá trị không được quy đổi ngang bằng, nhà nước thua thiệt; tình trạng định giá cao dự án, đổi đất giá thấp đã làm thất thoát lớn nguồn lực đất đai. Để sòng phẳng trong việc áp dụng đầu tư theo phương thức BT, các chuyên gia cho rằng cần nghiêm túc thực hiện kiểm toán tài chính bất cứ dự án BT nào để đánh giá đúng giá trị các công trình, định giá đúng giá đất trả lại cho nhà đầu tư; có quy định yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT; tạo cơ chế người dân giám sát và quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về dự án.

Điều đáng mừng là để tránh tiếp tục thất thoát đất đai, tài sản nhà nước khi đầu tư các dự án BT, mới đây Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến xây dựng dự thảo về Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Đây cũng là lần đầu tiên có một văn bản quy định rõ việc đổi tài sản công lấy cơ sở hạ tầng. Nguyên tắc quan trọng về thanh toán dự án BT đã được xác lập rõ: Chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo nguyên tắc ngang giá. Cụ thể, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán; giá trị dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng...

Để góp phần xóa bỏ vấn nạn chạy chọt, tình trạng quan hệ thân hữu để có dự án bóp chết việc làm ăn chân chính các doanh nghiệp khác, xóa bỏ hành vi quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn về tài nguyên, đất đai, các ưu đãi ngầm, dự thảo nghị định trên đòi hỏi cao tính minh bạch: Thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho nhà đầu tư được triển khai đồng thời hoặc sau khi nhà đầu tư đã hoàn thành dự án BT. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT thì nhà nước thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư; trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước. Liên quan việc dùng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT, dự thảo nghị định nêu rõ: Giá trị trụ sở làm việc là giá trị quyền sử dụng đất và giá trị theo đánh giá lại các tài sản trên đất với mức giá trên thị trường theo mục đích sử dụng đất mới, không thấp hơn giá đất UBND cấp tỉnh quy định...

Đây là những vấn đề lớn, người dân rất quan tâm nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm, tham nhũng qua phương thức thực hiện dự án này, gây bức xúc dư luận thời gian qua. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: Phương thức huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư là chính sách cần thiết để phát triển hạ tầng nhưng thực tế cho thấy việc triển khai còn nhiều bất cập; thiếu sự giám sát, kiểm tra nên bộc lộ nhiều sai phạm. Hiện Chính phủ và các bộ ngành đang chấn chỉnh quyết liệt vấn đề này; phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về BOT, BT; các công trình phải được thực hiện qua đấu thầu công khai, minh bạch. Tránh tình trạng lạm dụng xã hội hóa làm tăng gánh nặng cho người dân, thất thoát tài sản nhà nước...

Người dân kỳ vọng những tín hiệu mới, quyết tâm mới của lãnh đạo cấp cao về việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, phát triển: Doanh nghiệp tư nhân nói không trong việc hối lộ các cấp chính quyền; các cấp chính quyền tạo môi trường tốt, thuận lợi, minh bạch để lực lượng tư nhân phát triển.

Các tin khác