Bất tín thống kê!

Vì sao lại phi lý? Chúng ta chỉ cần xét trên một chỉ số thống kê khác để thấy ngay điều đó. Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2014, cả nước có 47.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động là 44.500 doanh nghiệp, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp của cả nước trong quý II-2014 là 1,84% - mức thấp nhất trong 1 năm qua, giúp Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Đây là một tin vui nếu số liệu thống kê trên thực sự đáng tin cậy. Nhưng con số này lại khiến nhiều người đang phải bươn chải trong sự vất vả và khó khăn của nền kinh tế không vui, bởi nó không có tính thực tế. Thậm chí, nhiều người còn nhận định tỷ lệ thất nghiệp như trên là quá phi lý.

 Vì sao lại phi lý? Chúng ta chỉ cần xét trên một chỉ số thống kê khác để thấy ngay điều đó. Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2014, cả nước có 47.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động là 44.500 doanh nghiệp, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng, vậy tại sao tỷ lệ thất nghiệp lại giảm thấp đến thế? Hãy nghe lý giải từ PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội: “Số doanh nghiệp giải thể có thể nhiều trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có thể ít hơn nhưng quy mô lao động lớn hơn. Chính vì thế, đây là 2 vấn đề khác nhau(!?)”.

Nhưng cũng chính ông Ngọc thừa nhận chúng ta điều tra theo cách khi người lao động có 1 giờ làm việc trước thời điểm điều tra cũng được coi là có việc làm. Chính điều này dẫn tới việc phản ánh không chính xác về thực trạng thị trường lao động hiện nay. Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số - lao động (Tổng cục Thống kê), tỷ lệ thất nghiệp mà Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố là cho độ tuổi từ 15 tuổi đến hết, tức cả những người 99 tuổi còn sống.

Như vậy, có thể thấy rằng con số tỷ lệ thất nghiệp 1,84% là có cơ sở... từ cách tính của Bộ LĐ-TB-XH chứ không phải từ thực tế. Với cách tính khác (thống kê cho độ tuổi từ 15-24 tuổi, độ tuổi khá tiêu biểu cho những người mới ra trường), Tổng cục Thống kê cho biết tỷ lệ thất nghiệp không nhỏ. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị thời điểm 1-1-2014 lên tới 11,17% và tính đến thời điểm 1-7-2014 là 10,65%.

Câu chuyện về cách tính chỉ số thống kê không phải đến thời điểm này mới được quan tâm. Mới đây, đích thân Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương thay đổi cách tính chỉ số thống kê GRDP theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, bởi “chúng ta cần con số thật”, trong khi trên thực tế chỉ số này quá ảo, không đúng thực tế (Báo ĐTTC đã từng có bài phản ánh). Trước đó, vào năm 2013, tại diễn đàn Quốc hội, con số tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chỉ ở mức 1,99% được Bộ LĐ-TB-XH công bố cũng đã gây nhiều tranh cãi.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành cách đây không lâu, các tác giả báo cáo cho rằng công tác thống kê của Việt Nam là một trong những điểm nghẽn thể chế ít được đề cập trong các nghiên cứu, nhưng lại có vai trò quyết định đến chất lượng và tính hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, định hướng chiến lược phát triển kinh tế cũng như công tác thẩm tra giám sát. Vì thế, thay đổi cách tính các chỉ số thống kê theo hướng thực chất hơn, thống kê từ thực tế cuộc sống, chính là để giải tỏa điểm nghẽn về thể chế.

Mặc dù cách thống kê tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay được Bộ LĐ-TB-XH lý giải dựa trên tiêu chuẩn chung của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, nhưng nếu bất hợp lý vẫn cần phải thay đổi. Không thể có tiêu chuẩn quốc tế nào lại khiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức quá thấp so với thế giới trong khi nền kinh tế vẫn trong giai đoạn khó khăn, xã hội thiếu công ăn việc làm!

Được biết, cuối năm 2013 chính Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã họp thống nhất đưa ra khuyến nghị mới về khái niệm chỉ tiêu thất nghiệp. Theo đó, cách thống kê mới theo hướng trong lực lượng lao động chung của xã hội sẽ không tính một phần lao động tự sản xuất và tự tiêu dùng  không tạo ra lợi nhuận, không nhằm mục đích đem trao đổi trên thị trường.

Phần không nhỏ này sẽ được xem xét tính toán riêng. Khi bớt đi một đối tượng gần như đều có việc làm một cách đương nhiên này, số người thất nghiệp sẽ tăng lên, vì so với một tổng thể ít hơn, phản ánh thực chất hơn. Việt Nam cần sớm tiếp cận với cách tính này để thay đổi về phương pháp thống kê.

Các tin khác