Bất cập bảo hiểm xã hội

Xuất phát từ việc cấp thiết phải sửa Luật BHXH là nguy cơ “vỡ” quỹ BHXH do mất cân đối thu – chi trong thời gian tới. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tốc độ tăng bình quân của người tham gia BHXH trong giai đoạn từ năm 2007-2012 trên 5%/năm, trong khi đó tốc độ tăng của người hưởng lương hưu từ quỹ BHXH gần 16%.
 

Ngày 26-5, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) được trình Quốc hội để thảo luận cho ý kiến và hôm nay (29-5) sẽ được mổ xẻ.

Xuất phát từ việc cấp thiết phải sửa Luật BHXH là nguy cơ “vỡ” quỹ BHXH do mất cân đối thu – chi trong thời gian tới. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tốc độ tăng bình quân của người tham gia BHXH trong giai đoạn từ năm 2007-2012 trên 5%/năm, trong khi đó tốc độ tăng của người hưởng lương hưu từ quỹ BHXH gần 16%.

Nói như ông Carlos Galian, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nếu theo lộ trình thu và chi như hiện tại, đến năm 2021 số thu sẽ tương đương chi, toàn bộ quỹ sẽ cạn kiệt vào khoảng năm 2034. Như vậy, toàn bộ lao động nam dưới 39 tuổi, nữ dưới 34 tuổi hiện nay sẽ không được nhận lương hưu sau khi nghỉ hưu.

Theo quy định, hiện tại mức đóng BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu (không tính bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, công đoàn) tính trên đầu người lao động là 26% tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Trong số này, doanh nghiệp (DN) đóng cho người lao động 18%, người lao động đóng 8%.

Sau khi đến tuổi nghỉ hưu (60 đối với nam và 55 đối với nữ), nếu thời gian đóng BHXH từ 15 năm năm trở lên, người lao động mới được hưởng lương hưu. Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng trong 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ nhưng mức tối đa chỉ bằng 75%.

Quy định là vậy, nhưng đầu vào (nguồn thu) còn nhiều bất cập. Thứ nhất, tồn tại từ quá khứ, là hiện có 2,8 triệu người đã làm việc trước năm 1995 đang hưởng lương hưu từ BHXH. Theo Điều 139 Luật BHXH, hàng năm Nhà nước chuyển từ ngân sách sang quỹ BHXH để chi trả lương hưu cho họ. Thế nhưng, cho tới nay ngân sách nhà nước còn nợ BHXH đến 24.000 tỷ đồng (chưa tính lãi).

Thứ hai, dù được quy định BHXH là bảo hiểm bắt buộc, nhưng số lượng người đóng hàng năm tăng rất chậm. Theo thống kê của ngành LĐTBXH, hiện chỉ có 20% người lao động đóng BHXH; hiện tượng nhiều DN đóng ít hoặc không đóng cho lao động làm việc theo hợp đồng lao động trên 3 tháng vẫn nhiều, chưa kể mức đóng BHXH rất thấp; mức đóng BHXH dựa trên mức lương ký trong hợp đồng lao động chứ không phải mức lương thực lãnh; thất thu do DN bỏ trốn hay cố tình nợ BHXH, con số nợ này khoảng trên 6.000 tỷ đồng.

Việc này xuất phát từ chế tài xử phạt không đủ sức răn đe, nhiều DN giữ lại phần đóng BHXH để gửi ngân hàng lấy lãi hay dùng vào mục đích khác vì lãi phạt chậm thấp hơn lãi ngân hàng. Theo BHXH Việt Nam, hiện có khoảng trên 500.000 đơn vị đăng ký thành lập DN, nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 300.000 DN đang hoạt động và chỉ có 150.000 DN tham gia BHXH.

Trong khi đó đầu ra (nguồn chi), theo BHXH Việt Nam, số lượng người hưởng lương hưu ngày càng tăng lên. Nếu như trong năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu, thì năm 2007 chỉ còn 14 người và năm 2012 chỉ còn 9,3 người. Cùng với đó là số tuổi nghỉ hưu sớm dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng lương hưu lại dài. Hiện số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm.

Hay như trong cơ cấu chi của BHXH có một quỹ cân đối dài hạn là quỹ bảo hiểm chi cho chế độ hưu trí, tử tuất và các quỹ ngắn hạn như quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Song hiện tại chỉ có khoản chi dài hạn là có nguy cơ mất cân đối, còn quỹ ngắn hạn chưa quá lo ngại.

Có lẽ vì thế mà hiện nay phương án bảo toàn quỹ đang tập trung vào việc giảm chi thông qua việc nâng tuổi hưu của người lao động được đệ trình lên kỳ họp Quốc hội lần này để Luật BHXH sửa đổi.

Hiện tại, nguồn bổ sung cho quỹ BHXH chỉ từ đầu tư sinh lãi. Theo Quyết định 1066/QĐ của BHXH Việt Nam, BHXH được phép mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước; cho ngân sách nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội vay; đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, một số dự án có nhu cầu lớn về vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Song trên thực tế, hiện tại quỹ BHXH chủ yếu tham gia đấu thầu mua trái phiếu chính phủ với 85% số kết dư, 15% còn lại đang gửi ở 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Các khoản gửi tại các ngân hàng đa phần là ngắn hạn, vì khoản tiền này sẽ cần dùng khi chi trả các chế độ như tai nạn nghề nghiệp, ốm đau, thai sản…

Theo ông Carlos Galian, cần cải cách phương thức đóng BHXH, tức đóng theo tổng thu nhập chứ không phải đóng theo mức lương cơ bản được ghi trên hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay theo Luật BHXH, ngoài mức đóng BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu nói trên, người sử dụng lao động và người lao động còn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan BHXH.

Do vậy có ý kiến cho rằng, để thu hút nhiều người tham gia BHXH, cần tách phần đóng để hưởng chế độ ốm đau, thai sản sang Luật Bảo hiểm y tế; chế độ tai nạn lao động, chế độ bảo hiểm thất nghiệp vào Luật Việc làm. Luật BHXH chỉ còn chế độ hưu trí (bắt buộc, tự nguyện) và tử tuất. Như vậy luật mới có thể mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như thu hút nhiều người tham gia BHXH.

Các tin khác