Băn khoăn kinh tế chủ đạo

Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được công bố lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân vào đầu năm 2013, quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo đã được đưa ra khỏi dự thảo. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia ghi nhận như một sự đổi mới mạnh mẽ về mặt thể chế kinh tế. Một số ý kiến cho rằng, chúng ta không hiến định không có nghĩa là không công nhận vai trò của thành phần kinh tế nhà nước. Trong mỗi một giai đoạn phát triển, vai trò kinh tế nhà nước hay vai trò kinh tế tư nhân là những vai trò do các quy luật vận động kinh tế - xã hội quyết định.

Ngày mai 5-11, Quốc hội sẽ có phiên thảo luận quan trọng tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trước đó, một trong những vấn đề gây băn khoăn cho nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ là việc tiếp tục hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được công bố lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân vào đầu năm 2013, quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo đã được đưa ra khỏi dự thảo. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia ghi nhận như một sự đổi mới mạnh mẽ về mặt thể chế kinh tế. Một số ý kiến cho rằng, chúng ta không hiến định không có nghĩa là không công nhận vai trò của thành phần kinh tế nhà nước. Trong mỗi một giai đoạn phát triển, vai trò kinh tế nhà nước hay vai trò kinh tế tư nhân là những vai trò do các quy luật vận động kinh tế - xã hội quyết định.

Lâu nay, chúng ta coi kinh tế nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò chủ đạo, nên trong chủ trương khi đánh giá từ trên xuống DNNN phải là những doanh nghiệp giữ vị trí chi phối của nền kinh tế. Do nắm giữ vị thế độc quyền trong các ngành, lĩnh vực quan trọng (80% công nghiệp khai thác, 99% công nghiệp điện - gas - dầu khí, cung cấp nước, trên 82% vận chuyển hàng hóa, 50% vận chuyển hành khách…) nên DNNN chiếm tới 74% thị phần đối với nền kinh tế.

Khi DNNN giữ vị trí “thống lĩnh” thị trường của những ngành này đồng nghĩa với việc triệt tiêu sự cạnh tranh với các khu vực kinh tế khác. Khi đó nguồn lực phân bố trở nên méo mó, sử dụng kém hiệu quả, năng suất thấp và gây ra nhiều hệ quả, hệ lụy khác như mọi người đã thấy trên thực tế. Nếu không hiến định vai trò chủ đạo, cơ chế thị trường sẽ mạnh hơn và kiểm soát độc quyền sẽ tốt hơn, không còn một chính sách “nuôi dưỡng” doanh nghiệp chi phối trong thị trường nữa. Từ đó, mới thực hiện được cơ chế thị trường cạnh tranh bình đẳng.

Tuy nhiên, trong bản dự thảo mới nhất trình Quốc hội lần này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng trong nền kinh tế thị trường ở nước ta vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Cụ thể, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội quy định về nội dung này như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Tại diễn đàn Quốc hội lần này, một số đại biểu đề nghị phải làm rõ hơn khái niệm kinh tế nhà nước. Có ý kiến cho rằng thuật ngữ “kinh tế nhà nước” trong dự thảo không đồng nhất với DNNN. Nhưng từ khi Hiến pháp năm 1959 hiến định "vai trò chủ đạo" của kinh tế quốc doanh (về sau đổi thành kinh tế nhà nước) đến nay chưa có một định nghĩa pháp lý nào về kinh tế nhà nước. Theo cách hiểu lâu nay, những hoạt động Nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết nền kinh tế như thuế, lãi suất, các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ bình ổn giá, quỹ trả nợ nước ngoài... mà không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận thì không được hiểu là kinh tế nhà nước. Vì vậy những thiết chế này đứng độc lập, không mang ra so sánh, đặt cạnh kinh tế tư nhân.

Khi đặt thành phần kinh tế nhà nước bên cạnh kinh tế tư nhân, người dân hiểu rằng kinh tế nhà nước chỉ bao gồm các thiết chế hoạt động hạch toán theo quy chế của một doanh nghiệp, chủ yếu là DNNN và các tổ chức khác mà Nhà nước góp vốn nhằm mục đích kinh doanh. Các báo cáo hay thống kê sự đóng góp của các thành phần kinh tế tại Việt Nam cũng dựa vào cách hiểu đó. Nay tiếp tục hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo nhưng không làm rõ khái niệm này thì việc gặp phản ứng là tất nhiên. Bởi người ta vẫn có thể đánh đồng DNNN (với chức năng kinh doanh) với các thiết chế điều tiết nền kinh tế của nhà nước (không có nhiệm vụ tạo ra lợi nhuận). Trong khi đó, sự kém hiệu quả của nhiều DNNN, thậm chí có những tập đoàn, tổng công ty đổ vỡ như Vinashin, Vinalines... thời gian qua đang khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Nếu muốn duy trì việc hiến định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cần xác định rõ ngay trong Hiến pháp kinh tế nhà nước là gì? Bên cạnh đó, khái niệm chủ đạo là điều phối, hay sở hữu lớn nhất, hay đóng góp GDP và lợi nhuận lớn nhất... cũng cần được làm rõ. Có vậy, bản Hiến pháp mới khi được thông qua mới thực sự tạo được động lực cho sự phát triển của đất nước.

Các tin khác