Bài toán lãi suất và kỳ hạn

Cùng với đó, Thống đốc cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN yêu cầu tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD. Điều này cho thấy NHNN đang quyết liệt tháo gỡ rào cản dòng vốn và cung cấp vốn rẻ cho thị trường. Bởi nợ xấu tác động đến thanh khoản sẽ làm tăng mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế do NH phải tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn mới.
 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2015. Theo đó yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 1-1,5%/năm và tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%.

Cùng với đó, Thống đốc cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN yêu cầu tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD. Điều này cho thấy NHNN đang quyết liệt tháo gỡ rào cản dòng vốn và cung cấp vốn rẻ cho thị trường. Bởi nợ xấu tác động đến thanh khoản sẽ làm tăng mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế do NH phải tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn mới.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất đã được kéo giảm đáng kể so với trước đây, nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), có một nghịch lý là trong khi lãi suất ngắn hạn giảm nhưng lãi vay trung và dài hạn vẫn còn quá cao.

Nhiều DN kiến nghị lãi suất cho vay trung và dài hạn phải giảm mới giúp DN có thể vay vốn đầu tư, giảm giá thành hàng hóa để tăng sức cạnh tranh. Điều này cũng giúp DN giảm hàng tồn kho và thoát khỏi nợ xấu.

Trong nền kinh tế thị trường, một trong những yếu tố để DN phát triển là phải vay được vốn trung, dài hạn với lãi suất thấp mới có thể đầu tư, định hình kế hoạch kinh doanh. Vòng quay vốn ngắn hạn (dưới 12 tháng) rất nhanh, vừa khó sử dụng vốn hiệu quả, vừa giải quyết nhiều thủ tục hồ sơ phức tạp. Trong khi đó phía NH lý giải do hiện nay 80-85% nguồn vốn huy động là vốn ngắn hạn nên vốn cho vay dài hạn hạn chế.

Khi đưa vốn ngắn hạn cho vay dài hạn rủi ro cao hơn nên lãi suất phải cao hơn. Hơn nữa, hiện nay, NH chỉ chọn cho vay DN tốt, không có nợ xấu hay hàng tồn kho để bảo toàn nguồn vốn, đồng thời vừa muốn đảm bảo lợi nhuận nên không hạ lãi suất cho vay. Điều này cho thấy nếu NH và DN không tìm được tiếng nói chung, DN tiếp tục thiếu vốn, kéo dài tình trạng trì trệ, mục tiêu đưa nợ xấu về 3% càng khó khăn.

Nhiều lần đề cập trên báo ĐTTC về nợ xấu, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đều cho rằng đối với nợ xấu cần phải có phương án xử lý nợ theo cơ chế thị trường, tức phát triển thị trường mua bán nợ, nợ được bán theo giá thị trường chứ không phải theo sổ sách kế toán mới xử lý nhanh được.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo NHNN phải trình phương án xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Song đến thời điểm này, NHNN cho biết mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án trên. Do vậy, chỉ có thể kỳ vọng phương án xử lý nợ xấu bằng cơ chế thị trường sẽ được ban hành trong năm 2015 và cần một thời gian gọi là “độ trễ” để chính sách đi vào thực tiễn. Có lẽ sớm nhất phải từ năm 2016 nợ xấu mới có thể được giao dịch theo cơ chế thị trường.

Ở một góc nhìn khác, số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số CPI tháng 1-2015 giảm 0,2%, là lần đầu tiên trong 10 năm qua CPI tháng cận Tết âm. Điều này cho thấy sức mua đang kiệt quệ, bởi lẽ cận Tết thường là thời điểm có nhu cầu mua sắm cao. Diễn biến này sẽ khiến DN chồng chất thêm khó khăn vì sức mua kém, DN không thể sản xuất hàng hóa mới.

Trong bối cảnh trên, để kéo giảm lãi suất chỉ còn cách thu hút người dân chuyển sang gửi tiền kỳ hạn dài. Điều này hoàn toàn có thể khi lãi suất tiền gửi phải thực dương so với lạm phát mà lạm phát năm 2015 cực thấp. Hiện nay, về lãi suất NHNN chỉ định hướng chung là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn.

Như vậy lãi suất sẽ được điều hành theo lạm phát mục tiêu. Người dân càng khó đoán để tính toán gửi tiền như thế nào cho hiệu quả. Đa số chọn kỳ hạn ngắn để dễ xoay xở, chờ diễn biến mới.

Thực tế trên đòi hỏi NHNN cần có thông điệp rõ ràng hơn về xu hướng lãi suất, để thị trường tin rằng lãi suất sẽ diễn biến theo xu hướng giảm, VNĐ vẫn có giá để người gửi tiền sẽ chuyển hướng gửi kỳ hạn dài. Khi đó NH dồi dào nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp để cung cấp cho DN ổn định trong thời gian dài, DN sẽ mạnh dạn vay vốn.

Các tin khác