Ăn theo thông tin - kẻ cười người khóc

(ĐTTCO) - Cuối tuần trước, Bộ GTVT có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về tiến độ sân bay quốc tế Long Thành, yêu cầu đến ngày 30-5 bộ phận tư vấn phải hoàn chỉnh báo cáo khả thi, trình bộ xem xét để trình Chính phủ thẩm định vào đầu tháng 6, trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 10.
Ăn theo thông tin - kẻ cười người khóc

 Thông tin này được đăng trên nhiều tờ báo, và ngay lập tức hàng đoàn người lũ lượt kéo đến huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai mua đất đón đầu thông tin này.

Thực ra, từ năm 2011, khi thông tin quy hoạch dự án được phê duyệt, giá đất ở các xã thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai) bắt đầu nhảy múa. Đặc biệt, khi Quốc hội chính thức bấm nút thông qua dự án vào năm 2015, giá đất quanh khu vực này bị đẩy lên cao, tạo nên cơn sốt ảo. Cụm từ "đất sân bay Long Thành" trở nên hot hơn bao giờ hết, đến nỗi cứ sau mỗi thông tin về các cuộc họp liên quan đến dự án, giá đất nơi đây lại thiết lập mặt bằng mới cao hơn.

 Hay cứ mỗi đợt có đoàn công tác của Chính phủ, của Quốc hội về kiểm tra thực địa, tình trạng sang nhượng đất tại nơi đây lại nóng lên.
Cụ thể, đầu năm 2015, thời điểm dự án chưa được phê duyệt, đất xung quanh dự án có giá chỉ khoảng 300.000 đồng/m2. Ngay sau khi thông tin dự án được Quốc hội phê duyệt, giá đất tại khu vực lập tức tăng lên 3 triệu đồng/m2.
Đến tháng 11-2018, giá đất được giới đầu cơ thổi lên 16 triệu đồng/m2. Đất bỗng chốc tăng lên gấp hàng chục lần khiến người dân tại đây đổ xô bán đất. Tận dụng cơ hội, giới đầu cơ nhanh chóng bắt lấy và thổi giá. Người dân ở nhiều nơi ùn ùn kéo đến mua, bán sôi động. Tuy nhiên, trong những cơn sốt giá đất ảo này chỉ giới đầu cơ thắng, còn đa số người ăn theo phải ôm hận. 
Mới đây, thông tin UBND TPHCM đã phê duyệt phương án thiết kế cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui về cây cầu mơ ước của người dân Rừng Sác là nỗi lo về cơn bão sốt đất đang âm thầm kéo đến.
Bởi đã có thửa đất 10.000m2, mặt tiền đường Rừng Sác, xã Bình Khánh năm 2010 có giá 1 tỷ đồng, đến năm 2015 lên 2 tỷ, năm 2016 lên 3,5 tỷ, năm 2017 lên 7,5 tỷ. Sau khi có tin xây cầu Cần Giờ, giá vọt lên 100 tỷ đồng, tăng 100 lần sau chưa đầy 10 năm. Song những giá này là ảo, nhà đầu tư nhỏ lẻ không tỉnh táo sẽ dễ bị “dính chấu”.
Thực tế đã cho thấy các hệ lụy của việc đầu tư bất động sản ăn theo thông tin của dự án. Đó là cuối năm 2016, cơn sốt đất nền ở TPHCM khởi nguồn từ khu Đông, với thông tin TP sẽ xây dựng cây cầu Cát Lái nối quận 2 qua huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Ngay sau khi thông tin được đưa ra, thị trường BĐS nơi đây bùng sốt, đỉnh điểm đến từ những trục đường chính như Đồng Văn Cống, tới những khu vực hẻo lánh như Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh (quận 9). Chỉ trong vòng 1 tuần, giá đất nền đã tăng khoảng 2 triệu đồng/m2 vẫn không có hàng để mua.
Cơn sốt đẩy lên đỉnh điểm khi ở các tuyến đường lớn nhỏ đều được treo biển bán đất. Giá đất cũng tăng mạnh theo giờ và những dự án phân lô bán nền nhỏ lẻ đua nhau mọc ra như nấm mọc sau mưa. Nhiều người đã gom tiền, cầm cố nhà cho ngân hàng, vay thêm bạn bè để mua đất.
Nhưng giá đất lên nhanh khi xuống còn nhanh hơn. Sau khi kiếm được lời, các đối tượng cò đất rút êm, thị trường hạ nhiệt. Báo hại những nhà đầu tư lỡ đua theo cơn sốt, khi ôm hàng vào với giá quá cao, giờ không biết cách nào để bán ra. Nhiều người ngậm bồ hòn làm ngọt, bỏ tiền mua thêm bài học đắt giá trong kinh doanh đất.
Nhiều bài học về ăn theo thông tin dự án đến nay vẫn còn nóng hổi. Cách đây 10 năm, khi tỉnh Đồng Nai công bố phát triển Nhơn Trạch thành khu đô thị hiện đại, đi theo đó là nhiều dự án cầu đường kết nối TPHCM với nơi này, các nhà đầu tư đổ xô đến tranh mua, tranh bán. Tuy nhiên, hàng trăm người đành chấp nhận mất tiền bởi dự án ở đây đang “chết” cùng năm tháng.
Tiếp đó, tỉnh Bình Dương quy hoạch di dời trung tâm hành chính về khu mới được gọi là TP mới Bình Dương, khách hàng từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đổ xô tranh mua cho được các lô đất ở đây. Đến nay, đất đầy cỏ dại, nhiều dự án trùm mền và khách hàng cũng trắng tay do lướt sóng trật.
Những cơn sốt đất đến từ thông tin quy hoạch dự án giao thông, hay hạ tầng nào đó, dù chưa biết dự án đó có thực hay không và bao giờ phát triển, nhưng giới đầu cơ đất vẫn tiến hành chiêu ôm đất thổi giá tạo sốt ảo. Sau khi mục đích đạt được, giới đầu cơ này bán cho những người chạy theo, kết quả những người mua sau thiệt hại.

Các tin khác