Xử lý ngập nước, ô nhiễm nhìn từ Hà Lan

(ĐTTCO) - Ngày 20-5, đoàn đại biểu cấp cao TPHCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm Hà Lan, và trao đổi với các đối tác kinh nghiệm về các vấn đề như giải quyết ngập nước, xử lý ô nhiễm môi trường… Nhân sự kiện này, ĐTTC điểm qua những kinh nghiệm của Hà Lan trong xử lý những vấn đề này.

Ngàn năm trị thủy
Hà Lan nằm giữa lưu vực 4 con sông lớn của châu Âu, gồm sông Rhine, Meuse, Scheldt và Ems, nên có tới hơn một nửa lãnh thổ dễ bị lũ lụt và 1/3 lãnh thổ thấp hơn mực nước biển. Vì vậy, trị thủy là vấn đề sống còn của đất nước này. Từ nhiều thế kỷ qua, song song với việc bầu các cấp chính quyền, người dân Hà Lan cũng bầu thành viên các "hội đồng nước", chuyên việc trị thủy. Tính đến giữa thế kỷ 20, có khoảng 2.700 hội đồng nước ở Hà Lan. Ngày nay, sau nhiều đợt sáp nhập, còn lại 27 hội đồng nước. Các hội đồng này cũng thu thuế và hoạt động độc lập với các cơ quan chính phủ khác. 
Xử lý ngập nước, ô nhiễm nhìn từ Hà Lan ảnh 1 Tháp không khói. 
Phương pháp trị thủy phổ biến ở Hà Lan từ thời Trung cổ là xây dựng đê điều. Có tất cả khoảng 7 loại đê, kè chuyên dụng cho biển, sông, hồ, kênh đào, hay các loại đê khẩn cấp, đê chống bão… được xây dựng phù hợp tùy vào tính năng sử dụng. Phương pháp xây dựng đê đã thay đổi qua nhiều thế kỷ. Hiện nay, các con đê được làm bằng lõi cát, bên ngoài phủ một lớp đất sét dày để chống thấm và xói mòn. 
Song song với việc xây các tuyến đê, người Hà Lan cũng đào các hồ chống ngập. Người ta đào những con mương thoát nước để dẫn nước từ các vùng đất dùng để canh tác vào hồ chứa nước. Nước sau đó lại tiếp tục được bơm vào một hệ thống kênh khác để dẫn ra các hồ lớn hơn và cứ như vậy cho đến khi ra biển. Trước đây, người ta dùng các cối xay gió để đưa nước từ hồ chứa này sang hồ chứa khác, ngày nay các trạm bơm thay thế vai trò cối xay gió. 
Gần đây, chính phủ triển khai chương trình "Lấy chỗ cho nước" (Room for the river), có ngân sách 2,3 tỷ USD, với mục tiêu làm giảm mực nước sông ngòi ở 30 điểm “nóng” trên khắp đất nước Hà Lan. Những giải pháp của chương trình bao gồm: nạo vét lòng sông, nạo vét bờ sông, dời đê ra xa bờ sông, mở thêm đường kênh song song sông, gỡ bỏ những vật cản nước chảy, tăng hoặc giảm chiều cao đê, gia cố đê, đặt trạm bơm… Chương trình này được cho đã giúp mực nước sông khi có lũ giảm từ 30-70cm so với trước đây.
Ngoài ra, nhiều công ty xây dựng còn thử nghiệm và chế tạo những loại nhà “lưỡng cư”, dựa trên thiết kế của nhà thuyền Hà Lan cổ. Chúng có thể “sống” trên cạn khi nước rút, và nổi trên nước khi lũ về. Nhiều căn nhà như vậy đã được xây tại những khu vực thường xuyên ngập lụt ở đất nước Hà Lan.

Ứng phó ô nhiễm
Chính sách của Hà Lan để đạt được chất lượng không khí tốt có 2 mục tiêu: hạn chế sự phát thải các chất có hại, và ngăn chặn sự tiếp xúc lâu dài của người dân với ô nhiễm. Chính vì vậy việc cấp giấy phép môi trường cho các công ty cũng như thực hiện chính sách kiểm soát nguồn đóng vai trò chính trong việc hạn chế khí thải. Để ngăn chặn sự phơi nhiễm của con người, kế hoạch phân vùng liên quan đến đánh giá các tiêu chuẩn chất lượng môi trường là một công cụ quan trọng.
Vào tháng 3-2018, Bộ trưởng Quản lý nước và Cơ sở hạ tầng Hà Lan Stientje van Veldhoven, có kế hoạch thực hiện khoảng 100 biện pháp bổ sung để đảm bảo chất lượng không khí trên khắp Hà Lan đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu. Các kế hoạch đã được bộ soạn thảo cùng với các quan chức cấp tỉnh và thành phố. Những biện pháp sẽ được áp dụng cả ở cấp địa phương và quốc gia, từ các khoản đầu tư bổ sung vào các trạm sạc xe điện, để giải quyết vấn đề phát thải nitơ dioxide vẫn còn quá cao trong giao thông. Các thành phố cũng sẽ giảm phí đỗ xe cho những chiếc xe thân thiện môi trường hơn. Bà Van Veldhoven nhấn mạnh rằng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu về chất lượng không khí không phải là mục tiêu cuối cùng của chính phủ Hà Lan. 
Để giúp làm sạch không khí, nhà thiết kế người Hà Lan Daan Roosegaarde, đã tạo ra một máy lọc không khí cao 7m có tên là "Tháp không khói" vào năm 2015. Thiết bị giống như tháp, về cơ bản hút khói bụi từ trên xuống và sau đó giải phóng không khí được lọc qua các lỗ thông hơi sáu mặt của nó. Nó có thể làm sạch hơn 30.000m3 không khí mỗi giờ và không sử dụng nhiều điện hơn một nồi hơi nước, theo Roosegaarde.
Dự án được tài trợ trên Kickstarter, mất khoảng 3 năm nghiên cứu và phát triển, nhưng Roosegaarde cuối cùng đã có thể trình diễn cỗ máy khổng lồ của mình vào tháng 9-2015 tại Rotterdam. Theo trang web Roosegaarde, máy lọc không khí được tạo ra đặc biệt để sử dụng trong các công viên công cộng như một giải pháp địa phương cho chất lượng không khí.
Bằng cách sạc Tháp không khói với một dòng điện dương nhỏ, một điện cực sẽ gửi các ion dương vào không khí. Các ion này sẽ tự gắn vào các hạt bụi mịn. Một bề mặt mang điện tích âm, sau đó sẽ hút các ion dương vào cùng với các hạt bụi mịn. Bụi mịn thường gây hại cho chúng ta, được thu thập cùng với các ion và được lưu trữ bên trong tòa tháp. Công nghệ này quản lý để thu được các hạt khói siêu mịn mà các hệ thống lọc thông thường không thể làm được. 
Máy lọc không khí không chỉ làm sạch khói, nó cũng có thể được sử dụng để làm đồ trang sức. Các hạt carbon mịn mà tòa tháp thu thập được có thể được ngưng tụ để tạo ra những viên đá quý nhỏ có thể được nhúng vào các mảnh trang sức như nhẫn và khuy măng sét. Mỗi viên đá nhỏ tương đương với 1.000m3 không khí.  
 Năm 1986, Hà Lan tuyên bố thành lập tỉnh thứ 12 là Flevoland. Tỉnh này không phải do tách ra từ các tỉnh khác, cũng không phải do sáp nhập lãnh thổ của các nước láng giềng - Đức và Bỉ, mà nhờ lấn biển. Điều này chứng thực câu ngạn ngữ cổ được lưu truyền của người Hà Lan: "Trong khi Chúa tạo ra Trái đất, người Hà Lan tạo ra Hà Lan". Có thể nói, ngoài việc chống lũ, chống ngập, người Hà Lan còn là bậc thầy về lấn biển. Kinh nghiệm lấn biển của họ có thể được áp dụng để chống lại việc sụt lún đô thị hoặc nước biển dâng.

Các tin khác