WEF: Kết nối cơ hội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đông Á tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Nhân dịp này, ĐTTC giới thiệu về WEF và những tác động của tổ chức này đến nền kinh tế toàn cầu, cũng như lợi ích WEF có thể mang lại cho Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đông Á tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Nhân dịp này, ĐTTC giới thiệu về WEF và những tác động của tổ chức này đến nền kinh tế toàn cầu, cũng như lợi ích WEF có thể mang lại cho Việt Nam.

Lịch sử

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay Chủ tịch WEF Klaus Schwab.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
bắt tay Chủ tịch WEF Klaus Schwab.

WEF là một tổ thức quốc tế độc lập và phi lợi nhuận có trụ sở tại Cologny, Geneva, Thụy Sĩ. WEF cam kết sứ mệnh phát triển năng lực của thế giới bằng cách kết nối các nhà lãnh đạo để kiến tạo các quan hệ hợp tác, từ đó thực hiện các mục tiêu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực.

WEF hoàn toàn trung lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, cũng như không có bất kỳ liên kết thiên lệch nào đối với các yếu tố mang tính chính trị, quốc gia, dân tộc, hay cá nhân. Hội nghị thường niên của WEF được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ.

Ngoài ra, WEF còn tổ chức các hội nghị thường niên cấp khu vực ở Đông Á, châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông. Ngoài các hội nghị, WEF còn xuất bản các kết quả nghiên cứu và khuyến khích các thành viên cùng thực hiện các sáng kiến mang lại lợi ích cho toàn thế giới.

Vào mùa hè năm 1971, Klaus Schwab, một giáo sư người Đức tại Trường University of Geneva (Thụy Sĩ), mời 444 nhà điều hành của các công ty ở Tây Âu để tham dự hội nghị đầu tiên tại Davos dưới sự bảo trợ của Ủy ban châu Âu (EC) và các nghiệp đoàn công nghiệp tại châu Âu, nhằm giới thiệu các công ty châu Âu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị Hoa Kỳ.

Trong hội nghị, GS. Schwab quyết định thành lập WEF và tuyên bố tổ chức hội nghị thường niên vào tháng 1 hàng năm. Ban đầu, tổ chức này gọi là “Diễn đàn Quản lý châu Âu” (European Management Forum), nhưng cùng với mục tiêu mở rộng ra toàn thế giới, tổ chức được đổi tên thành WEF kể từ năm 1987. Hiện GS. Klaus Schwab vẫn là người đứng đầu của tổ chức này.

Sức ảnh hưởng

Hội nghị WEF Davos có vai trò quan trọng như một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả. Trong 5 ngày hội nghị thường niên, hơn 2.500 đại biểu từ gần 100 nước đổ về Davos, trong đó có khoảng 1.500 lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 1.000 công ty hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự của 40 nguyên thủ quốc gia, 64 bộ trưởng các nước, 219 nhân vật công chúng (nhà kinh tế, nhà khoa học… danh tiếng), 30 lãnh đạo cao cấp của các tổ chức/định chế quốc tế, các đại sứ, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tôn giáo, nghiệp đoàn, các cơ quan truyền thông, tổ chức nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức dân sự...

Được gọi là “diễn đàn”, WEF chính là nơi để các lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới cùng nhau bàn thảo về những vấn đề then chốt toàn cầu (các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu...) và cùng nhau cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

WEF Đông Á là 1 trong 4 hội nghị cấp khu vực (Đông Á, châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông) của WEF. WEF Đông Á được tổ chức hàng năm nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nước trong khu vực và giữa các nước Đông Á với các khu vực khác trên thế giới. Giám đốc khu vực châu Á của WEF là ông Sushant Palakurthi Rao.

Thông qua Hội nghị WEF Đông Á, các nước Đông Á có cơ hội để quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển tới cộng đồng quốc tế, đặc biệt là tới hơn 1.000 doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới hiện là thành viên WEF. 

WEF và Việt Nam

Nhận rõ tầm quan trọng của WEF, từ nhiều năm qua Việt Nam đã tích cực tham gia WEF và các hội nghị, sự kiện, hoạt động của tổ chức này. Năm 2010, Việt Nam ghi dấu ấn của mình bằng việc tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á tại TPHCM (tháng 6-2010).

Việt Nam xem các hội nghị WEF như một cơ hội quý giá để xây dựng, củng cố và phát triển các mối quan hệ hợp tác với các nước, các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới.

Tham gia hội nghị cũng là dịp để quảng bá về một Việt Nam năng động phát triển và đổi mới, cũng như cho thấy Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong đời sống chính trị - kinh tế của cộng đồng quốc tế.

Tại WEF Đông Á năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị và có bài phát biểu quan trọng, đóng góp vào chủ đề trọng tâm của hội nghị là “Cơ hội và thách thức trong định hình tương lai khu vực thông qua kết nối”, cũng như đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một số nước, tổ chức, trong đó có Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Chủ tịch WEF Klaus Schwab.

Trả lời báo giới sau khi trở về từ hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: “Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tích cực đóng góp vào thảo luận về thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực Đông Á, nhất là trong những lĩnh vực chúng ta quan tâm như kết nối kinh tế-thương mại, hợp tác nhằm duy trì và củng cố môi trường hòa bình trong khu vực…

Đồng thời, tại hội nghị, chúng ta có cơ hội giới thiệu với cộng đồng quốc tế về chính sách, tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó, một số nội dung thảo luận tại hội nghị lần này cũng có ý nghĩa rất thiết thực với Việt Nam, như các phiên thảo luận về các mô hình phát triển tại Đông Á sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, ứng phó với các thách thức và rủi ro toàn cầu”.

Các tin khác