Vũ khí kỳ dị thời thế chiến 2 - Kỳ 1: Sử dụng động vật

(ĐTTCO) - Trong những tình huống khó khăn nhất, sức sáng tạo của con người được phát huy đến mức tối đa. Có những sáng tạo mang lại hiệu quả đảo ngược tình thế, nhưng có những sáng tạo lại chẳng đi đến đâu, thậm chí trở thành trò cười. Trong thế chiến thứ 2, đã có rất nhiều sáng tạo “độc lạ”, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí.

Những con vật bình thường có thể trở thành những thứ vũ khí chết người, giúp đảo ngược tình thế. Đó là ý tưởng của những “nhà phát minh” thời thế chiến 2 khi dùng động vật để làm vũ khí. Liệu họ có giành được lợi thế nhờ “sáng kiến cải tiến” này?

Bom dơi liều chết
Sau trận Trân Châu Cảng, bác sĩ phẫu thuật nha khoa Lytle Adams đã đề xuất ý tưởng gắn thuốc nổ lên thân những con dơi, rồi dùng máy bay thả xuống các thành phố của Nhật Bản, biến chúng thành những “quả bom tự sát” gieo rắc kinh hoàng. Adams quan sát thấy rằng các cấu trúc của Nhật Bản đặc biệt nhạy cảm với các thiết bị gây cháy vì nhiều tòa nhà được làm bằng giấy, tre và các vật liệu dễ cháy khác.
Kế hoạch là thả bom dơi vào các thành phố của Nhật Bản có các mục tiêu công nghiệp phân tán rộng rãi. Những con dơi sẽ bay xa khỏi điểm phóng thích do được thả từ độ cao tương đối cao, sau đó sẽ trốn trong các tòa nhà trên khắp thành phố vào lúc bình minh. Bộ hẹn giờ tích hợp sẽ đốt cháy bom, gây ra hỏa hoạn và hỗn loạn lan rộng.
Mỹ quyết định phát triển bom dơi trong thế chiến 2 vì 4 yếu tố sinh học đã hứa hẹn cho kế hoạch này. Đầu tiên, dơi có số lượng lớn, như trong 4 hang động ở New Mexico, mỗi hang có vài triệu con dơi. Thứ hai, dơi có thể mang nhiều hơn trọng lượng của chúng trong khi bay. Thứ ba, dơi ngủ đông và trong khi không hoạt động chúng không cần thức ăn. Thứ tư, dơi bay trong bóng tối, sau đó tìm những nơi hẻo lánh (thường trong các tòa nhà) để ẩn nấp vào ban ngày.
Vũ khí kỳ dị thời thế chiến 2 - Kỳ 1: Sử dụng động vật ảnh 1 Bom dơi. 
Ý tưởng này được Tổng thống Roosevelt cho phép. Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ  (NDRC) quyết định triển khai dự án tối mật có mật danh Dự án X-Ray. Đến tháng 3-1943, một loài phù hợp đã được chọn là loài dơi đuôi dài Mexico. Louis Fieser, người phát minh ra napalm quân sự, đã thiết kế các thiết bị gây cháy nổ nặng 17gr và 28gr gắn lên dơi.
Để mang những con dơi đến những địa điểm chiến đấu, người ta chế tạo thiết bị đặc biệt hình quả bom bên trong chứa các con dơi đang ở trạng thái ngủ đông (do nhiệt độ lạnh) trong những khay chứa đặc biệt. Mỗi quả bom dơi chứa 40 con dơi. Các bom dơi sẽ được thả từ độ cao 1.525m. Khi quả bom thả xuống, vỏ bọc bên ngoài sẽ tự động bung ra, một chiếc dù hãm sẽ làm chậm thời gian rơi của các khay đủ để các con dơi tỉnh lại và bay đi tìm chỗ nấp. 
Sau nhiều thử nghiệm và điều chỉnh hoạt động, NDRC kết luận X-Ray là vũ khí hiệu quả. Báo cáo của Giám đốc hóa học tuyên bố trên cơ sở trọng lượng, X-Ray có hiệu quả hơn so với các loại bom gây cháy nổ tiêu chuẩn được sử dụng vào thời điểm đó. Nhiều cuộc thử nghiệm đã được lên kế hoạch vào giữa năm 1944. Vào thời điểm đó ước tính 2 triệu USD đã được chi cho dự án. Tuy nhiên, chương trình đã bị hủy bỏ bởi sự phát triển của bom dơi tiến triển quá chậm, đã bị dự án bom nguyên tử qua mặt.

Binh đoàn chó cảm tử 
Đối diện với lữ đoàn xe tăng hùng mạnh của phát xít Đức, bạn sẽ làm gì? Câu trả lời của Hồng quân Liên Xô là dùng đội chó chống tăng. Năm 1924, Hội đồng Quân sự Cách mạng Liên Xô đã phê chuẩn việc sử dụng chó cho mục đích quân sự, bao gồm một loạt nhiệm vụ như cứu hộ, sơ cứu, liên lạc, theo dõi mìn và người, hỗ trợ chiến đấu, vận chuyển thức ăn, y học và binh lính bị thương trên xe trượt tuyết, tiêu diệt các mục tiêu kẻ thù.
Với những mục đích này, một trường huấn luyện chó chuyên biệt đã được thành lập tại Moscow Oblast. 12 trường trong khu vực đã được mở ngay sau đó, 3 trong số đó đã huấn luyện chó chống tăng. Chó chăn cừu Đức được yêu thích cho chương trình vì khả năng thể chất và dễ huấn luyện, nhưng các giống chó khác cũng được sử dụng. Ý tưởng sử dụng chó chống tăng được phát triển vào những năm 1930, cùng với thiết kế bộc phá phù hợp với chó. Năm 1935, các đơn vị chó chống tăng đã chính thức được đưa vào Quân đội Liên Xô. 
Ý tưởng ban đầu là cho con chó mang quả bom được buộc vào cơ thể của nó, tiến tới mục tiêu tĩnh cụ thể. Con chó sau đó sẽ thả quả bom bằng cách kéo dây đai và quay lại với người điều khiển. Bom sau đó được kích nổ bằng bộ hẹn giờ hoặc điều khiển từ xa. Một nhóm chó đã thực hành điều này trong 6 tháng, nhưng các báo cáo cho thấy không con chó nào có thể làm chủ nhiệm vụ.
Chúng hoạt động tốt trên 1 mục tiêu nhưng trở nên bối rối sau khi mục tiêu hoặc địa điểm bị thay đổi và thường quay trở lại người điều khiển với quả bom chưa được thả. Vì vậy, quả bom đã được gắn chặt vào con chó và phát nổ khi tiếp xúc với mục tiêu, giết chết cả con vật. Theo đó, mỗi con chó được gắn trên mình bộc phá chứa 10-12kg thuốc nổ. Khi thả chó tiến cận xe tăng, chốt an toàn của bộc phá được gỡ bỏ. Khi con chó chui xuống dưới xe tăng, va chạm sẽ khiến bộc phá phát nổ.
Việc sử dụng chó chống tăng đã leo thang trong năm 1941-1942, khi Quân đội Liên Xô nỗ lực ngăn chặn bước tiến của quân Đức tại mặt trận phía Đông. Trong thời kỳ đó, các trường dạy chó chủ yếu tập trung huấn luyện chó chống tăng. Khoảng 40.000 con chó đã được triển khai cho các nhiệm vụ khác nhau trong Quân đội Liên Xô. Nhóm chó chống tăng đầu tiên đã đến tiền tuyến vào cuối mùa hè năm 1941, bao gồm 30 con chó và 40 huấn luyện viên.
Việc triển khai của họ cho thấy một số vấn đề nghiêm trọng. Trong trận chiến, những con chó không chịu chui xuống dưới những chiếc xe tăng đang di chuyển. Một số con chó chạy gần xe tăng, chờ chúng dừng lại nhưng bị bắn chết. Tiếng súng từ xe tăng khiến nhiều con chó sợ hãi, chạy trở lại chiến hào và gây thương tích cho chính lính Liên Xô. Để ngăn chặn điều đó, những con chó trở về phải bị bắn chết.
Trong số 30 con chó đầu tiên, chỉ có 4 con có thể kích nổ bom của chúng gần xe tăng Đức, gây ra thiệt hại không xác định. 6 con đã phát nổ khi trở về chiến hào của Liên Xô. 3 con chó đã bị quân đội Đức bắn và đưa đi. Một chiến dịch tuyên truyền của Đức đã tìm cách làm mất uy tín của Quân đội Liên Xô, nói rằng những người lính Liên Xô sợ chiến đấu nên nhờ chó chiến đấu thay. Một sai lầm đào tạo nghiêm trọng khác đã được tiết lộ sau đó: Liên Xô đã sử dụng xe tăng động cơ diezel của mình để huấn luyện chó, trong khi xe tăng Đức có động cơ xăng. Vì vậy, những con chó với khứu giác nhạy bén đã tìm đến những chiếc xe tăng quen thuộc của Liên Xô thay vì những chiếc xe tăng có mùi lạ của Đức. 
 Có những tuyên bố của các nguồn tin Liên Xô rằng khoảng 300 xe tăng Đức đã bị hư hại bởi những con chó chống tăng của Liên Xô. Tuyên bố này bị các nhà sử học Nga nghi ngờ. Sau năm 1942, việc sử dụng chó chống tăng của Quân đội Liên Xô đã giảm xuống và các trường huấn luyện đã được chuyển hướng để dạy những con chó tìm kiếm và giao hàng cần thiết hơn.

(còn tiếp)

Các tin khác