Việt Nam - Điều kỳ diệu kinh tế thế giới

(ĐTTCO) -Những năm qua, truyền thông thế giới luôn xem Việt Nam là một “điều kỳ diệu” của nền kinh tế thế giới, cả trong các ngành sản xuất lẫn dịch vụ. Đặc biệt, nỗ lực cải thiện môi trường kinh tế-xã hội của nước ta trong thời gian gần đây luôn được đánh giá cao.
Phép lạ sản xuất 

Ngày 17-4, Viện Brookings Institution (Hoa Kỳ) có bài viết nhan đề “Phép lạ sản xuất của Việt Nam: Bài học cho các nước đang phát triển”, trong đó nêu bật những thành tựu Việt Nam đạt được ngay cả khi nền thương mại toàn cầu đang bị đình trệ. “Trong khi thương mại toàn cầu đã trì trệ, thương mại của Việt Nam đạt 190% GDP năm 2017 từ mức 70% trong năm 2007. Trong khi các nền công nghiệp hóa sớm kéo giảm kinh tế thế giới, ngành sản xuất của Việt Nam đã mở rộng liên tục, thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới từ năm 2014 đến 2016”.
 Nếu bạn đang đọc bài đăng này trên điện thoại thông minh, có khả năng bạn đang xem trên một thiết bị được chế tạo ở Việt Nam. Trên toàn thế giới, cứ 10 điện thoại thông minh có 1 cái được sản xuất tại Việt Nam. Điện thoại di động là xuất khẩu số một của Việt Nam, tạo ra doanh thu xuất khẩu hơn 45 tỷ USD vào năm 2017.
Viện Brookings
Theo các tác giả bài viết, những yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt được những thành tựu này, bên cạnh những điều kiện khách quan như nguồn nhân lực trẻ giá rẻ, sự ổn định chính trị, vị trí địa lý gần với các tuyến đường vận chuyển chính... phải kể đến chính sách hợp lý của Chính phủ Việt Nam về hội nhập kinh tế toàn cầu và đầu tư vào nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. “Đầu tiên, Việt Nam đã chấp nhận tự do hóa thương mại. Thứ hai, cải cách trong nước thông qua bãi bỏ quy định và giảm chi phí kinh doanh.Cuối cùng, Việt Nam đã đầu tư mạnh vào vốn con người và vật chất, chủ yếu thông qua đầu tư công” - bài báo viết.
Các tác giả cho rằng kinh nghiệm của Việt Nam có thể hữu ích không chỉ đối với các nước đang phát triển, mà còn đối với các nước phát triển.
Thứ nhất, chính sách thương mại được cho là chính sách công nghiệp quan trọng nhất đối với Việt Nam. Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Những FTA này đã giảm đáng kể thuế quan, thúc đẩy cải cách trong nước, mở ra nhiều nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài. Ước tính có hơn 10.000 công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty lớn trên toàn cầu như Samsung, Intel và LG, đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu là sản xuất theo hướng xuất khẩu, lao động chuyên sâu.
Thứ hai, Việt Nam đã tận dụng lợi thế nhân khẩu học thông qua đầu tư hiệu quả vào người dân. Trong chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) mới nhất năm 2015 - kiểm tra các học sinh trung học về toán, khoa học và các ngành khác - Việt Nam xếp thứ 8 trong số 72 nước tham gia.
Thứ ba, tập trung không ngừng vào khả năng cạnh tranh và kinh doanh, Việt Nam đã có những tiến bộ ổn định trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Bằng chứng là điểm số cao hơn trong chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 (tăng 5 điểm lên hạng 55 trên thế giới, tăng 31 bậc kể từ năm 2014). Việt Nam cũng giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% từ 32% trong năm 2003.
Cuối cùng, Việt Nam đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong ngành điện và kết nối. Một phần nhờ đầu tư công, phát điện, truyền tải và phân phối công suất cao đã được mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh. Để bắt kịp với thương mại container ngày càng tăng nhanh, Việt Nam cũng phát triển cơ sở hạ tầng kết nối, bao gồm cảng biển.
Việt Nam - Điều kỳ diệu kinh tế thế giới ảnh 1 Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,38% trong quý I-2018. 
Con hổ tiếp theo của châu Á
Trường Kinh doanh của Đại học Otago (New Zealand) vào tháng trước đã công bố báo cáo nêu vấn đề: Việt Nam có phải là con hổ tiếp theo của châu Á? Báo cáo cho rằng Việt Nam đang trên đường trở thành một “câu chuyện lớn về phát triển thành công”. Báo cáo viết: “Từ một nền kinh tế nghèo nàn, yếu kém, đóng cửa với phần lớn thế giới bên ngoài, Việt Nam trong vòng một thế hệ đã chuyển đổi sang một nước có thu nhập trung bình, với sự hội nhập toàn cầu, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo báo cáo, sau những phép lạ kinh tế Đông Á trước đó như Nhật Bản sau Thế chiến 2; Hồng Công, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan vào những năm 1960; sau đó là Trung Quốc từ năm 1978, Việt Nam được nhiều người coi là phép lạ tiếp theo. Điều này dựa trên 2 câu chuyện rõ ràng.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể từ Đổi mới năm 1986. Thứ hai, tăng trưởng năng suất lao động là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Giữa năm 1986 và 2014, GDP trên một người làm việc tại Việt Nam được cải thiện từ 3,6% mức của Hoa Kỳ vào năm 1986 đến 8,6% mức của Hoa Kỳ trong năm 2014. 
Mặc dù có những dấu hiệu đầy hứa hẹn, báo cáo cho rằng Chính phủ Việt Nam phải xây dựng trên những nền tảng bền vững để tránh bị trượt vào cái bẫy được gọi là “bẫy thu nhập trung bình”. Theo đó, một số thị trường mới nổi đã phát triển nhanh chóng ở mức thu nhập thấp nhưng cuối cùng không thể vượt qua tình trạng thu nhập trung bình. Bởi lẽ, các yêu cầu về thể chế cho tăng trưởng ở một nước có thu nhập trung bình đòi hỏi khắt khe hơn so với tăng trưởng ở mức thu nhập thấp.

Thị trường nóng

Hãng tin kinh tế nổi tiếng thế giới Bloomberg cho rằng Việt Nam đang trở thành thị trường IPO (chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng) nóng nhất khu vực Đông Nam Á. Tạp chí kinh doanh và phân tích thị trường cho biết trong năm 2017 thị trường IPO của Việt Nam tăng đến 6 tỷ USD. Bloomberg cho rằng chứng khoán trên thị trường Việt Nam còn đắt giá hơn cả nhóm cổ phiếu công nghệ ở Thâm Quyến của Trung Quốc.
Nền kinh tế phát triển mạnh cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu đã tạo ra sức mua lớn và góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam bùng phát với nhiều thương vụ IPO lớn nhất khu vực Đông Nam Á, theo dữ liệu của Bloomberg.

“Trải qua hàng loạt sóng gió những năm đầu thập niên này, kinh tế Việt Nam đang rất khỏe mạnh. GDP của Việt Nam đã tăng 7,4% trong quý 1-2018, mức cao nhất trong một thập niên qua” - Bloomberg viết. Việt Nam được Bloomberg đánh giá có thể trở thành công xưởng của thế giới tiếp theo ở châu Á, trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang xem xét để tái gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các tin khác