Vẫn bế tắc thỏa thuận Brexit

(ĐTTCO) - Hôm qua 17-10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Brussels (Bỉ). Trước khi sang dự hội nghị, Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập cuộc họp nội các để tóm tắt lại những nỗ lực khai thông bế tắc trong tiến trình đàm phán nước Anh rời EU (Brexit). 
Các chuyên gia cho rằng bà May sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều bởi một Brexit không có thỏa thuận sẽ phá hoại nền kinh tế nước Anh.
Các nước chuẩn bị kịch bản riêng
Mặc dù Thủ tướng May khẳng định trước Quốc hội Anh sự tin tưởng vào triển vọng 2 bên đạt được thỏa thuận, nhưng thực tế các bên vẫn chưa tìm được giải pháp ổn thỏa để phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề biên giới Ireland và vùng Bắc Ireland thuộc Anh. Hội nghị thượng đỉnh EU lần này được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để các bên đi tới một thỏa thuận trước khi Anh rời khỏi EU vào cuối tháng 3-2019. Tuy nhiên, hội nghị sẽ diễn ra không dễ dàng khi phía EU cảnh báo nguy cơ Brexit “không thỏa thuận” hiện lớn hơn bao giờ hết. 
Ngay cả trong trường hợp mọi việc diễn ra suôn sẻ, 2 bên có thể phải chờ đến cuối năm 2018 mới có thể đạt được thỏa thuận, chưa thể giải quyết được các bất đồng ngay tại hội nghị. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cũng thừa nhận hội nghị thượng đỉnh tại Brussels sẽ không tạo được bước đột phá nào và tháng 11 hoặc 12 tới mới là cơ hội tốt nhất cho các bên đi tới một thỏa thuận. Tháng 11 chính là thời gian nước Anh hy vọng 2 bên có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt, qua đó Anh và EU có thể hoàn tất “thỏa thuận ly hôn” và đưa ra tuyên bố về một mối quan hệ thương mại hậu Brexit.
Trong khi đó, Quốc vụ khanh về Brexit của Anh, Martin Callanan cho biết nước này sẽ không chấp nhận một đường biên giới trên biển với Ireland và thỏa thuận hải quan với EU sẽ chỉ mang tính tạm thời. Ông Callanan nêu rõ Anh tìm kiếm một thỏa thuận với EU về Brexit vì “không đạt thỏa thuận không phải là kết quả tốt”, nhưng khẳng định chính phủ Anh cũng đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. 
Vẫn bế tắc thỏa thuận Brexit ảnh 1  
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp, Nathalie Loiseau cho biết Pháp đang chuẩn bị những biện pháp cho trường hợp không đạt thỏa thuận Brexit, bao gồm việc kiểm soát an ninh biên giới tại đường hầm xuyên biển Manche. Tương tự, một quan chức chính phủ Đức cho biết nước này cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản Brexit, đồng thời nhấn mạnh việc nhanh chóng đạt thỏa thuận sẽ là tốt nhất cho cả doanh nghiệp và người dân. Lãnh đạo này loại trừ một thỏa thuận Brexit không có giải pháp cho biên giới Ireland, đồng thời cho biết thêm Đức sẽ phối hợp với Pháp để đảm bảo 27 thành viên còn lại đồng thuận trong các cuộc đàm phán Brexit.
Trong khi các cuộc đàm phán Brexit đang bế tắc, bà May còn phải vất vả điều hòa các đòi hỏi đối nghịch nhau giữa Brussels và các nghị sĩ Anh, làm dấy lên lo ngại về một cuộc “ly hôn” rối loạn và thiệt hại. Truyền thông Anh đưa tin một số bộ trưởng vốn ủng hộ kế hoạch của bà May sẽ cân nhắc lại nếu bà thỏa hiệp quá nhiều với Brussels.

Nguy cơ đe dọa nền kinh tế Anh
Trang mạng www.foreignpolicy.com nhận định, về lý thuyết một nước có thể rời khỏi EU mà không làm gián đoạn nền kinh tế và không gây tổn hại lâu dài đến quan hệ với các nước láng giềng gần gũi nhất của họ. Thủ tướng Anh Theresa May và các nhà lãnh đạo EU vẫn có thể đàm phán một thỏa thuận nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế và duy trì quan hệ chính trị bền chặt.
Nhưng khả năng ngày càng tăng là họ sẽ không làm vậy - chủ yếu là vì Anh tiếp tục yêu cầu phải có một mối quan hệ đặc quyền với EU mà Brussels sẽ không thể nhất trí. Điều đó đẩy nước này vào con đường hướng tới một Brexit không có thỏa thuận, có thể khiến Anh phải trả giá.
Hiện tại, thương mại giữa Anh và các nước còn lại trong EU không bị gián đoạn. Không có sự kiểm soát tại khu vực biên giới hay thuế quan, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất của Anh là một phần của mạng lưới dây chuyền cung ứng JIT (đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng nơi, đúng thời điểm) toàn châu Âu... Nhưng nếu Brexit không có thỏa thuận, thương mại hàng hóa vốn không có bất đồng sẽ chấm dứt trong một sớm một chiều.
Những thứ đưa vào nước Anh sẽ cần phải được kiểm tra tại biên giới, trong khi nước này không có sở hạ tầng để làm những việc như vậy. Rồi hàng không, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng. Đối mặt với một tình trạng rối loạn kinh tế, đồng bảng Anh sẽ sụt giá mạnh, khiến tỷ giá đồng tiền này so với EUR giảm xuống và xuống mức thấp trong vòng 40 năm so với USD, lập tức đẩy mạnh lạm phát và làm giảm các tiêu chuẩn sống. Khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể phải đối mặt với một sự lựa chọn giữa tăng lãi suất để bảo vệ giá trị đồng bảng và ngăn chặn lạm phát tăng vọt, với việc giữ lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ hoạt động kinh tế. 
Việc không có thỏa thuận sẽ là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Anh. Chắc chắn nền kinh tế này sẽ rơi vào suy thoái. Câu hỏi là tình trạng suy thoái sẽ nghiêm trọng đến đâu và nền kinh tế này sẽ hồi phục nhanh chóng đến mức độ nào.

Các tin khác