Trung Quốc-Hoa Kỳ: Cuộc chiến thương mại mới

Ngày 3-10, các nhà làm luật ở Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua việc đem ra tranh luận một dự luật có thể gây áp lực buộc Trung Quốc nâng giá nhân dân tệ (NDT). Động thái này lập tức làm bùng lên làn sóng tranh cãi ngay tại Hoa Kỳ và trên thế giới, trong khi Bắc Kinh cảnh báo việc thông qua dự luật có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại mới.

Ngày 3-10, các nhà làm luật ở Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua việc đem ra tranh luận một dự luật có thể gây áp lực buộc Trung Quốc nâng giá nhân dân tệ (NDT). Động thái này lập tức làm bùng lên làn sóng tranh cãi ngay tại Hoa Kỳ và trên thế giới, trong khi Bắc Kinh cảnh báo việc thông qua dự luật có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại mới.

Hoa Kỳ: Ra thông điệp mạnh

Với 79 phiếu thuận và 19 phiếu chống, việc đưa dự luật mang tên Đạo luật Cải cách giám sát tỷ giá hối đoái 2011 (CERORA) vào chương trình nghị sự của Thượng viện Hoa Kỳ đã được thông qua. Việc bỏ phiếu cho CERORA sẽ được tiến hành ở Thượng viện vào cuối tuần này, nhiều khả năng cũng được thông qua.

CERORA sẽ tạo điều kiện cho Hoa Kỳ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước bị coi “hạ giá USD thấp” nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Mặc dù dự luật không đề cập cụ thể đến Trung Quốc nhưng đa số nhìn nhận nó nhắm vào chính sách kiềm chế NDT của Bắc Kinh.

Biếm họa về chiến tranh thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ. (Nguồn: ChinaTells)
Biếm họa về chiến tranh thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ. (Nguồn: ChinaTells)

Nếu CERORA thành luật, chỉ cần chính phủ của một nước định giá thấp nội tệ và không có sự điều chỉnh sẽ bị Hoa Kỳ trừng phạt, có thể bao gồm tăng thuế chống phá giá, cấm tìm nguồn hàng ở Hoa Kỳ hoặc không được nhận hỗ trợ tài chính từ Liên đoàn Đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC).

Ngoài việc tạo điều kiện cho các công ty Hoa Kỳ tìm kiếm thuế chống phá giá từ hàng nhập khẩu Trung Quốc, CERORA còn giúp các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ hưởng lợi từ việc điều chỉnh tăng giá NDT, vì nó có thể giúp hàng hóa Hoa Kỳ giảm giá so với hàng Trung Quốc.

Giới quan sát tin rằng Bắc Kinh hiện định giá NDT thấp hơn giá trị thực so với USD từ 20-40%. Việc định giá NDT thấp một cách giả tạo đã giúp hàng xuất khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn và cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Đồng thời, hàng hóa từ nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua Trung Quốc so với hàng hóa sản xuất trong nước.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ của Bắc Kinh gây tổn hại nghiêm trọng tới thị trường việc làm của các đối tác thương mại. Một nghiên cứu do Viện Chính sách kinh tế Hoa Kỳ công bố trong tuần này cho rằng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã làm mất khoảng 2,8 triệu việc làm kể từ đầu năm nay. Vì vậy, từ lâu Hoa Kỳ và các đối tác thương mại khác của Trung Quốc đã gây áp lực đòi Bắc Kinh tăng giá NDT.

Dù Trung Quốc có để NDT tăng giá trong 12 tháng qua, giới chỉ trích nói việc tăng giá này là quá ít, chưa tới 5% so với USD và hơn 8% so với EUR. Giới quan sát nói chính sách tiền tệ của Trung Quốc không chỉ tạo ra các vấn đề với các đối tác của nước này, mà còn góp phần gây ra các vấn đề ở trong nước, đặc biệt làm tăng lạm phát.

Tuy nhiên, để trở thành luật, sau khi được Thượng viện thông qua, CERORA phải được Hạ viện thông qua và được Tổng thống ký thành luật.

Trung Quốc: Sẽ trả đũa

Tuy nhiên, những người chống đối dự luật cho rằng CERORA có thể “phản tác dụng” và châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại nguy hiểm trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ đang yếu ớt. Hơn 51 nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong đó có Hiệp hội Thương mại, Bàn tròn Dịch vụ tài chính và Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, đã gửi một bức thư cho các lãnh đạo Thượng viện vào ngày 21-9, kêu gọi họ không thông qua CERORA.

Trong thư, các doanh nghiệp này lo ngại dự luật sẽ dẫn đến một hành động trả đũa của Trung Quốc, tổn hại doanh nghiệp Hoa Kỳ và việc tăng thuế nhập khẩu Trung Quốc sẽ khiến “dòng chảy việc làm chuyển sang các nước có chi phí sản xuất rẻ hơn”. John Frisbie, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Trung Quốc, cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ trả đũa lên hàng nhập khẩu Hoa Kỳ.

Ông Frisbie thừa nhận các công ty Hoa Kỳ đã lỗ nặng từ những bất đồng thương mại giữa hai bên và NDT đang bị định giá thấp. Tuy nhiên, Frisbie nhấn mạnh NDT đã tăng 30% từ năm 2005 và trong thời gian đó tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ cũng tăng theo. Điều đó dẫn đến nghi ngờ liệu việc tăng giá NDT có thể giúp Hoa Kỳ giải quyết được vấn đề việc làm không?

Cho đến nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đã công khai phản đối dự luật, cho rằng Hoa Kỳ đang tiến gần đến việc châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết rất “hối tiếc” trước kết quả bỏ phiếu của Thượng viện Hoa Kỳ.

PBOC cho rằng chênh lệch thương mại giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ không phải vì giá trị NDT và tỷ giá hối đoái đã “được điều chỉnh lớn và tiến gần đến mức cân bằng”. Ngân hàng này cũng cảnh báo dự luật của Hoa Kỳ có thể làm tổn hại đến nỗ lực cải tổ tiền tệ của Trung Quốc, trong khi làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói dự luật của Hoa Kỳ có thể vi phạm luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một động thái cho thấy có thể Bắc Kinh sẽ mang sự việc ra tòa WTO nếu những biện pháp trừng phạt đề xuất trong CERORA được triển khai.

Theo luật của WTO, một nước có thể áp thuế chống phá giá đối với hàng nhập khẩu từ nước khác. Vấn đề mấu chốt là nước chống phá giá phải chứng minh được nước kia đang bán phá giá, tức bán dưới giá thành sản xuất.

Theo những người ủng hộ CERORA, giá sản xuất của Trung Quốc được tính bằng NDT, nhưng hàng hóa xuất khẩu tính bằng USD. Theo họ, NDT bị định giá thấp hơn giá trị thực so với USD 20-40%, nên giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc bán phá giá 20-40%.

Các tin khác