Trung Quốc và Nga đọ sức Airbus-Boeing

(ĐTTCO) - Máy bay chở khách tầm trung C919 của Trung Quốc và MC-21 của Nga mới đây đã thực hiện thành công các chuyến bay thử đầu tiên.
Và các nhà sản xuất không che giấu tham vọng lọt vào phân khúc lớn nhất của thị trường hàng không dân dụng: máy bay tầm trung thân hẹp.
Phân khúc này vẫn do 2 đại gia Airbus và Boeing thống trị. Tại Triển lãm Hàng không Paris 2017 đang diễn ra từ ngày 19 đến 25-6, cả 2 hãng đều công bố những hợp đồng hàng chục tỷ USD cho những máy bay tầm trung bán chạy của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Airbus và Boeing sẽ khó giữ được thị trường lâu dài.
"Hàng thập niên qua chỉ có 2 hãng cạnh tranh trong phân khúc máy bay tầm trung, Airbus với A320 và Boeing với 737. Mọi thứ đang bắt đầu thay đổi vì sự độc quyền đó đang bị tấn công bởi C919 của hãng Comac, MC-21 của hãng Irkut, C Series của hãng Bombardier" - theo Stephane Albernhe, đối tác quản lý của Archery Consulting.
Trung Quốc và Nga đọ sức Airbus-Boeing ảnh 1 Lễ ra mắt phiên bản MC-21. 
C919 đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên ngày 5-5, đã nhận được 600 đơn đặt hàng. C919 có khả năng chở 168 hành khách với tầm bay 5.500km. Do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) chế tạo, C919 đại diện cho gần một thập niên nỗ lực của các chính sách chính phủ nhằm giảm sự phụ thuộc vào máy bay Airbus và Boeing.
MC-21 của hãng Nga Irkut cũng thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào ngày 28-5, đến nay nhận được 175 đơn đặt hàng. MC-21 có khả năng chở 132-211 hành khách với tầm bay 6.000km. MC-21 đại diện cho nỗ lực của Nga để chấm dứt phụ thuộc máy bay nước ngoài, vì từ khi Liên Xô tan rã, các hãng hàng không Nga chuyển sang dùng máy bay Airbus và Boeing rẻ hơn. Ngoài ra, dòng C Series, cuộc tấn công đầu tiên của hãng Canada Bombardier vào phân khúc máy bay tầm trung, đã bắt đầu bay thương mại trong năm ngoái. Giám đốc Triển lãm Hàng không Paris Gilles Fournier cho biết: "Những máy bay này chưa đủ trưởng thành để tham gia triển lãm nhưng điều đó có thể sẽ đạt được trong 2 năm, tại Triển lãm Hàng không Paris kỳ tới. Cần có thời gian cho các nhà sản xuất Nga và Trung Quốc đạt được sự trưởng thành kỹ thuật và công nghiệp của Airbus và Boeing. Khi được các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ và châu Âu chứng nhận, C919 và Mc-21 sẽ thực sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Albernhe nói: "Những máy bay mới này được nhiều quốc gia ủng hộ và các nhà sản xuất sẽ không dừng lại ở đó. Họ đã bắt đầu với máy bay thân hẹp, nhưng ít nhất với Trung Quốc, tiếp theo sẽ là một máy bay tầm xa". Trên thực tế, trong tháng 5, Bắc Kinh và Moscow thông báo kế hoạch hợp tác phát triển máy bay tầm xa, được Trung Quốc gọi là C929. Có khả năng chở 280 hành khách trên các chuyến bay xa đến 12.000km, C929 sẽ cạnh tranh các máy bay tầm xa mới nhất của Airbus và Boeing là A350 và 787 Dreamliner.
C929 sẽ được phát triển bởi Comac và Tập đoàn Máy bay Liên hiệp (UAC) của Nga, với chi phí đầu tư, nghiên cứu lên đến 13-20 tỷ USD. Cho đến nay, Trung Quốc đang tiến từ từ để nắm bí quyết sản xuất và dựa vào thị trường lớn trong nước để tránh thất bại thương mại. Airbus và Boeing ước tính, thị trường Trung Quốc trị giá 1.000 tỷ USD, với nhu cầu khoảng 6.000 máy bay mới trong các thập niên tới.

Comac vẫn chưa được Hoa Kỳ chứng nhận máy bay tầm khu vực ARJ-21 đã được một hãng hàng không Trung Quốc đưa vào hoạt động vào năm 2015 với các tuyến nội địa. Nhưng mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga đã được cả Airbus và Boeing xem trọng. Phó Chủ tịch Tiếp thị Boeing Randy Tinseth cho biết: "Trong 10-15 năm nữa, Trung Quốc sẽ là thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Đó là lý do họ đang đầu tư vào những máy bay này, họ có thị trường nội địa lớn nhất cho chúng chứ không phải một nơi khác".
Airbus cũng đánh giá tương tự, John Leahy, giám đốc phụ trách khách hàng tại đơn vị máy bay thương mại của Airbus, nói: "Có thể không có mối đe dọa nào trong 5-10 năm tới cho Airbus hoặc Boeing. Nhưng trong 20 năm tới, Trung Quốc sẽ là một trong 3 nhà sản xuất máy bay lớn".

Các tin khác