Trung Quốc siết đầu tư ra nước ngoài

(ĐTTCO) - Các tờ báo tài chính phương Tây tiết lộ Trung Quốc yêu cầu hãng bảo hiểm An Bang (Anbang), Tập đoàn Vạn Đạt (Wanda) cũng như một số tập đoàn Trung Quốc đã bắt rễ vào thị trường Âu, Mỹ phải bán lại tài sản đã đầu tư ở nước ngoài, đem vốn về nước và giảm bớt mức nợ. 
Thời kỳ tận dụng vốn rẻ của nhà nước, vung tiền đầu tư ở hải ngoại của các đại gia Trung Quốc phải chăng sắp kết thúc?
Nhà tỷ phú giàu thứ nhì Trung Quốc Vương Kiện Lâm cho biết Tập đoàn Vạn Đạt sẽ tập trung đầu tư ở trong nước, bán lại 77 khách sạn, nhiều trung tâm giải trí với giá 9,3 tỷ USD cho một tập đoàn nhà nước khác cũng trong ngành địa ốc là Sunac. Việc Bắc Kinh “khóa van tín dụng” với các tập đoàn đầu tư ra nước ngoài, bắt buộc họ đem vốn trở lại Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi: phải chăng đây là một tín hiệu mới cho thấy khủng hoảng nợ của Trung Quốc đã cận kề?
Theo thông tin từ báo chí, đại diện Trung tâm Hợp tác quốc tế thuộc Ủy ban Phát triển và cải cách, cơ quan phụ trách về kế hoạch kinh tế-xã hội của chính phủ Trung Quốc, giải thích: “Trung Quốc không chủ trương giới hạn việc đầu tư ra ngoài, nhưng cần kiểm soát và điều tiết việc các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư phải phù hợp với luật lệ quốc tế”. Quyết định trên của Bắc Kinh được một số chuyên gia cho rằng đã phản ảnh nhiều “ưu tư bên trong” của Trung Quốc. 
Trung Quốc siết đầu tư ra nước ngoài ảnh 1 Khách sạn Vương triều Vạn Đạt 7 sao với kinh phí xây dựng 500 triệu USD ở Thượng Hải. 
Bắc Kinh đang bị nạn tẩu tán tư bản khi khối dự trữ ngoại tệ tương đương với gần 4.000 tỷ USD vào giữa năm 2014 nay chỉ còn khoảng 3.000 tỷ USD, nên đã ra lệnh kiểm soát các tập đoàn lớn tung tiền mua tài sản ở ngoại quốc. Vì các tập đoàn này còn vay ngân hàng quốc doanh để thực hiện các nghiệp vụ đầu tư ấy nên sẽ gây thêm rủi ro tín dụng cho hệ thống doanh nghiệp và ngân hàng, vốn mắc nợ quá nhiều, đang bị rủi ro tài chính rất cao. Riêng nạn thất thoát tư bản còn làm sụt giá đồng NDT, gây thêm rủi ro về ngoại hối.
Thật ra, Bắc Kinh vẫn muốn các tập đoàn đầu tư ra ngoài, nhưng nhắm vào những ngành có thể tiếp cận kỹ năng quản trị và công nghệ hiện đại của thế giới, chứ không muốn các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực khách sạn hay giải trí để kiếm lời. Đấy là vấn đề các tập đoàn như Vạn Đạt hay An Bang... đang phải đối mặt. Những tập đoàn này được yêu cầu đem tiền về đầu tư ở trong nước để kích thích sản xuất và tạo ra việc làm.

Tiếp đến, phải nói đến tổng số nợ hiện đã lên tới 281% GDP Trung Quốc. Riêng nợ của doanh nghiệp ngoài lĩnh vực tài chính lên tới gần 28.000 tỷ USD, tương đương 251% GDP. Ngoài khối nợ chính thức của ngân hàng, Bắc Kinh vừa công bố thêm loại nợ chui, nằm ngoài sổ sách. Loại nợ có quá nhiều rủi ro này còn cao hơn mọi ước lượng trước đây với hơn 4.000 tỷ USD trong năm 2016. Vì vậy, Bắc Kinh phải cố kiểm soát chủ nợ là ngân hàng lẫn khách nợ là các tập đoàn đầu tư để tránh rủi ro tín dụng, tài chính và ngoại hối.

Có thể nói, Bắc Kinh đang rơi vào cảnh ngộ “tam đa đoan” trong 3 chính sách: tỷ giá cố định của đồng NDT, tiền tệ độc lập và tự do lưu thông tư bản. Việc Bắc Kinh mong muốn thực hiện cả 3 chính sách trên sẽ khiến nước này rơi vào khủng hoảng. Nếu điều này xảy ra trong khi kinh tế Hoa Kỳ đang được dự đoán cũng suy giảm vào năm tới, thế giới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Các tin khác